DNTN Thái Thịnh khai thác cát gây sạt lở bờ sông Sài Gòn

07/09/2015 00:00

Tuy đã được cấp phép khai thác cát, nhưng do không tuân thủ đúng theo quy định, thậm chí có lúc khai thác sai vị trí nên Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thái Thịnh...

 

Tuy đã được cấp phép khai thác cát, nhưng do không tuân thủ đúng theo quy định, thậm chí có lúc khai thác sai vị trí nên Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thái Thịnh đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Thế nhưng sau đó DN này vẫn tái phạm...

Liên tục vi phạm

DNTN Thái Thịnh, do ông Nguyễn Thế Lễ (ngụ phường Phú Đức, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) làm chủ, được UBND tỉnh Bình Phước cấp phép khai thác khoáng sản. Trong thời gian qua, DNTN này thường xuyên cho ghe hút cát dưới sông Sài Gòn.

Hằng ngày, tại đoạn sông Cầu Sập, thuộc tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh xuất hiện nhiều chiếc ghe của DNTN Thái Thịnh cặp vào bờ (chỗ đã bị sạt lở) hút cát theo kiểu “3 không” (ghe không số hiệu, không thả phao, không cắm biển báo khu vực khai thác).

Một hộ dân sống nhiều năm gần điểm hút cát này cho biết: “Thường ngày có 4 ghe với sức chứa từ 15 khối trở lên ra đây khai thác. Thời điểm này nước cạn, nên hai ghe vào chỗ đã bị sạt lở để khai thác. Thời điểm nước lớn, thường thì cả bốn ghe đều vào khu vực này để hút.

Mỗi ngày các ghe mang cát về bãi phía bên kia sông (thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) từ hai đến ba lần. Tình trạng này đã diễn ra từ hơn hai năm nay. Nhiều phần đất cặp bờ sông và cây cối ở đây đã biến mất”.

Một ngư dân khác kể: “Do đường bộ đến đây khó khăn, nên cơ quan chức năng thường phải đi đường thuỷ hướng từ cầu Sài Gòn xuống. Khi thấy có ghe chở đông người từ xa đến, các ghe hút cát lập tức chạy ra khỏi vị trí hút cát, nên cơ quan chức năng khó bắt quả tang. Nếu đoàn kiểm tra đi đường bộ thì phải băng rừng khoảng 10km, sau đó đi thêm hơn 1km đường thuỷ mới tới điểm khai thác, nên họ vẫn có đủ thời gian điều khiển ghe lẩn trốn”.

Một ngày cuối tháng 8.2015, chúng tôi cải trang thành ngư dân, băng rừng, sau đó đi đường thuỷ từ bờ bên này sang bờ bên kia thuộc tỉnh Bình Phước, rồi quay lại điểm hút cát để các ghe không nghi ngờ. Như vậy, chúng tôi mới có cơ hội tiếp cận và ghi nhận những gì đang diễn ra.

Tại khu vực này hiện có hai ghe đang hút cát ở lòng sông, còn hai ghe lấn vào bờ chỗ sạt lở để hút cát. Tại đây, một đoạn bờ sông dài khoảng 200 mét đã bị sạt lở, có đoạn vách cao thẳng đứng hơn 3 mét. Với thực trạng như vậy, có thể độ sâu khai thác đã vượt quá giới hạn cho phép. Kế bên bờ sạt lở là rẫy mì của dân và rừng phòng hộ Dầu Tiếng (rừng trồng), chẳng biết sẽ trôi xuống sông lúc nào.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tây Ninh: “Cho dù DNTN này được cấp phép khai thác cát, nhưng hoạt động sai vị trí quy định thì vẫn phải xem là khai thác cát lậu”.

Trước đó, ngày 10.4.2015, đại diện thanh tra Sở TN&MT, Phòng TN&MT huyện Tân Châu, UBND xã Tân Hoà đã đến kiểm tra và lập biên bản ghi nhận hiện trường bị sạt lở đoạn Cầu Sập. Lúc đoàn đến kiểm tra, phát hiện một ghe đang bơm cát lên bãi, còn một ghe đang chuẩn bị khai thác. Trong quá trình khai thác, DNTN Thái Thịnh không tiến hành thả phao và biển báo khu vực khai thác.

Sau đó, Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh có Công văn số 1619/STNMT-PQLTD gửi cho cơ quan chức năng bên phía tỉnh Bình Phước đề nghị tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của DNTN này. Ngày 15.5.2015, Sở TN&MT tỉnh Bình Phước, Phòng TN&MT huyện Hớn Quản cùng chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra, xác định:

Trong quá trình khai thác, DNTN Thái Thịnh vẫn không tiến hành thả phao và biển báo khu vực khai thác; yêu cầu DN này không được tổ chức khai thác cát gần đoạn đã bị sạt lở để tránh ảnh hưởng đến những đoạn chưa bị sạt lở. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra tỉnh Bình Phước còn yêu cầu DN phải nghiêm túc thực hiện việc khai thác theo đúng đề án đã được phê duyệt.

Thế nhưng, ngày 4.6.2015, chính quyền huyện Tân Châu lại phát hiện DNTN Thái Thịnh khai thác sai vị trí bản đồ, bình đồ tính trữ lượng được phép khai thác; đồng thời bắt giữ 1 ghe hút cát vi phạm không số hiệu, có sức chứa khoảng 40m³. Ngày 3.7.2015, UBND huyện Tân Châu đã ra Quyết định số 1492/QĐ-XPHC xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với DN này.

Trước đó, trong biên bản làm việc ngày 18.6.2015 giữa cơ quan chức năng hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước, ông Nguyễn Thế Lễ thừa nhận DN mình đã có vi phạm, nhưng đưa ra lý do là hiểu lầm về trữ lượng được phép khai thác và trữ lượng phê duyệt thăm dò (?).

Tính tới thời điểm này thì DNTN Thái Thịnh hoạt động đã gần 5 năm. Qua ngần ấy thời gian mà DN vẫn “hiểu lầm” đối với những vi phạm quan trọng? Vậy mà đến ngày 26.8.2015 vừa qua, chúng tôi vẫn còn thấy ghe của DN này vào nơi sạt lở để tiếp tục khai thác.

Sẽ kiên quyết xử lý

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh - ông Nguyễn Đình Xuân cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của DN này bên địa phận thuộc tỉnh Tây Ninh. Vi phạm ở địa bàn nào, chính quyền địa phương đó xử lý.

Nếu trong quá trình kiểm tra, thấy ghe vi phạm thì bắt ghe, không bắt được ghe thì tiến hành đo đạc lập biên bản mức độ thiệt hại hiện trường, cũng như cách thức hoạt động không tuân thủ theo quy định để làm cơ sở xử lý. Nếu vi phạm nhiều lần, chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh Bình Phước ngưng cấp phép cho DNTN Thái Thịnh”.

Được biết, ngày 10.8.2010, UBND tỉnh Tây Ninh có công văn gửi cho UBND tỉnh Bình Phước về việc thoả thuận quản lý, cấp giấy phép khai thác cát xây dựng thượng nguồn sông Sài Gòn, đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước.

Theo đó, Tây Ninh thống nhất để tỉnh Bình Phước cấp phép khai thác cát suốt tuyến sông Sài Gòn dài 16km (diện tích mặt nước 173 ha), đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh và quản lý khu vực này. Tỉnh Tây Ninh chỉ phối hợp quản lý khi cần thiết.

Đến ngày 7.10.2010, UBND tỉnh Bình Phước có Quyết định số 50/GP-UBND cấp phép cho DNTN Thái Thịnh được khai thác khoáng sản cát xây dựng tại thượng nguồn sông Sài Gòn, thuộc địa phận các xã Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước và xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Giấy phép có quy định như sau: Chiều dài khu vực khai thác là 16km được giới hạn bởi các điểm góc có toạ độ xác định trên bản đồ kèm theo dự án đầu tư khai thác. Chiều dày trung bình tầng khoáng sản là 1,2m, trữ lượng ước tính (cấp 122) là 914.206m³, công suất khai thác 30.000m³/năm, thời hạn khai thác 10 năm, lệ phí giấy phép 15.000.000 đồng, tiền ký quỹ phục hồi môi trường 42.589.000 đồng.

Tuy nhiên, từ điều 1 đến điều 2 của quyết định là cấp phép khai thác khoáng sản cát xây dựng, nhưng điều 3 lại có đoạn viết: “Hoạt động khai thác khoáng sản đá xây dựng theo giấy phép chỉ được tiến hành sau khi DNTN Thái Thịnh đã nộp thiết kế mỏ… Phải chăng khoáng sản đá cũng được tính luôn trong giấy phép khai thác cát? Một cán bộ Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh khẳng định là không có chuyện cát với đá được cấp chung một giấy phép.

Như vậy, trong giấy phép cấp cho DNTN Thái Thịnh có điều gì đó chưa ổn, chưa rõ ràng? Đề nghị cơ quan có trách nhiệm vào cuộc để làm rõ.

Theo Báo Tây Ninh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
DNTN Thái Thịnh khai thác cát gây sạt lở bờ sông Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO