Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng tăng cường sức khỏe hậu COVID-19

Việt Khang| 22/04/2022 21:05

(TN&MT) - Sáng 22/4, tại Hà Nội, Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần nông sản LangBiang tổ chức Hội thảo với chủ đề “Vai trò dinh dưỡng trong phòng chống ung thư và tăng cường sức khỏe hậu COVID-19”. Tại Hội thảo, các nữ trí thức đã chia sẻ thông tin về tình hình bệnh ung thư trên thế giới và tại Việt Nam, đưa những giải pháp để kiểm soát, phòng bệnh.

GS.TS.BS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết, ung thư là một trong 4 nhóm bệnh mạn tính không lây nhiễm phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện được trên 200 loại bệnh ung thư. Theo số liệu của WHO, năm 2020 có khoảng 19 triệu ca mắc mới ung thư và gần 10 triệu ca tử vong trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, số ca mắc ung thư năm 2020 là 182.000 người, số ca tử vong là 123.000 người (xếp thứ 90/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, thứ 16 châu Á, thứ 6 Đông Nam Á). Trong số các trường hợp mắc ung thư, có ung thư gan, phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng chiếm tỷ lệ cao nhất. Đáng nói, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ngày càng có xu hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Theo GS.TS.BS Lê Thị Hợp, nguyên nhân gây ung thư được xác định bao gồm: Yếu tố ngoại sinh (do phóng xạ, tia cực tím; độc chất, thuốc lá, thực phẩm không an toàn, thuốc; các virus HBV, HPV, HP, nội tiết…) và nguyên nhân nội sinh (yếu tố di truyền, tuổi tác, yếu tố nguy cơ thuộc hành vi cá nhân, lối sống như chế độ ăn không hợp lý, tình trạng dinh dưỡng kém, thừa cân béo phì, ít hoạt động thể dục, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, môi trường tiếp xúc…

anh-toan-canh-resize(1).jpg
Toàn cảnh Hội thảo "Vai trò dinh dưỡng trong phòng chống ung thư và tăng cường sức khỏe hậu COVID-19”

GS.TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (bệnh viện K), Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng cho rằng, trong dự phòng và điều trị ung thư, dinh dưỡng có vai trò khá quan trọng. Vì vậy, để dự phòng ung thư, chúng ta nên xây dựng thực đơn dinh dưỡng, chế độ ăn đầy đủ, cân đối và hợp lý. Cụ thể, cần tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt; ăn vừa phải lượng thịt đỏ (không nên quá 3 đơn vị thịt đỏ, tương đương 300gr trong 1 tuần); giảm đồ ăn nướng, đồ rán, tránh chế biến các loại thịt dưới nhiệt độ cao và trong thời gian dài; giảm tiêu thụ các đồ ăn nhanh; sử dụng ít đồ uống có cồn, có thể uống 3- 5 tách trà xanh mỗi ngày; giảm lượng muối trong khẩu phần (dưới 5gr/ngày); tăng cường rau xanh và trái cây.

Bên cạnh đó, để phòng và điều trị ung thư, mỗi người cũng cần kiểm soát cân nặng, tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng lý tưởng, tập thể dục thường xuyên ít nhất 5 buổi/tuần, mỗi tuần ít nhất 30 phút. Bên cạnh đó, mỗi người cũng nên có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ, thực hiện các liệu pháp tầm soát ung thư, tiêm vaccine phòng bệnh ung thư với những loại bệnh có vaccine…

Tại Hội thảo, ông Trần Lâm Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty LangBiang cho biết: Dinh dưỡng trong phòng và điều trị ung thư rất quan trọng. Trong số các sản phẩm hiện nay, có sâm dây Ngọc Linh là loại thảo dược quý hiếm từ ngàn năm có tác dụng phòng ngừa ung thư và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng hậu COVID-19 được đánh giá có tác dụng tốt. Sâm dây Ngọc Linh có vị ngọt, tính mát, bồi bổ khí và huyết cho từng tế bào khỏe mạnh. Bên cạnh việc giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể, sâm dây Ngọc Linh còn giúp giảm căng thẳng mệt mỏi; điều hòa tim mạch; phục hồi sinh lực cho cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, chán ăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng tăng cường sức khỏe hậu COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO