Đỉnh điểm mùa mưa, sông hồ Điện Biên vẫn cạn nước
(TN&MT) - Tỉnh Điện Biên hiện có 13 hồ chứa nước dung tích lớn và hàng chục hồ nước nhỏ phục vụ cho sinh hoạt và điều tiết nước cho thủy lợi, tưới tiêu của bà con. Theo ghi nhận của phóng viên, dù đang là mùa mưa nhưng mực nước trên các hồ chứa đều rất thấp so với dung tích thiết kế và so với cùng thời điểm các năm trước. Riêng tại các hồ chứa nước lớn, dung tích chỉ đạt 40 – 50% dung tích như thiết kế ban đầu.
Cụ thể, tại hồ chứa nước Nậm Khẩu Hu (xã Hua Thanh, huyện Điện) có dung tích thiết kế hơn 7,5 triệu m3 nhưng hiện nay mực nước trong hồ chỉ đạt gần một nửa, thấp hơn khoảng 10m so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho gần 300ha lúa 2 vụ, hồ chứa này còn nguồn duy nhất cấp nguồn nước sinh hoạt cho toàn bộ TP Điện Biên Phủ và một phần của huyện Điện Biên.
Tương tự, hồ Hồng (xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) mực nước giảm 5m so với cùng kỳ năm 2022 khiến cho việc cung cấp nước tưới tiêu gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hồ Pá Khoang là hồ có dung tích thiết kế lớn nhất tỉnh Điện Biên với gần 41 triệu m3 nước, tuy nhiên hiện nay lượng nước trong hồ chỉ đạt khoảng 17 triệu m3.
Ngoài ra, nhiều hồ khác ở Điện Biên như Sông Ún cũng có mực nước thấp hơn 6,9m; hồ Na Ươm thấp hơn 7,1m; hồ Bản Ban thấp hơn 6,4m; hồ Sái Lương thấp hơn 5,6m so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải việc mực nước hồ thấp ngay cả trong mùa mưa, ông Lê Văn Thi - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên (Công ty thủy nông Điện Biên) cho biết: Mặc dù gần đây trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa, nhưng lượng nước tích được ở các hồ thủy điện vẫn rất thấp. Nguyên nhân do trước đó Điện Biên đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài khiến nước hồ cạn sâu. Nên những đợt mưa gần đây không đủ để các hồ tích nước trở lại.
Đồng thời lượng mưa ở khu vực đầu nguồn thấp dẫn đến tình trạng thiếu nước tại hầu hết các hồ chứa. Hiện nay, tổng lượng nước trong 13 hồ chứa mà Công ty thủy nông Điện Biên quản lý hiện nay chưa được 50% so với dung tích thiết kế. Qua theo dõi, lượng mưa tại khu vực cũng chỉ đạt từ 40-50% so với cùng kỳ những năm trước dẫn đến mực nước tại các hồ thấp hơn mực nước trung bình hằng năm từ 5-7m, thậm chí có nơi thấp hơn khoảng 10m.
Thời điểm này, 2 hồ chứa nước lớn tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên là hồ Sông Mún và Tông Lệnh cũng vẫn cạn trơ đáy, mặc dù những ngày trước đó, đã có mưa trở lại, kéo dài vài ngày.
Dẫn chúng tôi đi thăm 2 hồ thủy lợi lớn trên địa bàn huyện Tủa Chùa, ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tủa Chùa cho biết: “Khoảng từ đầu năm 2023 đến nay, 2 hồ trữ nước lớn của huyện bắt đầu cạn nước dưới 50% trữ lượng và đến nay đã cạn tới mực nước chết. Dù những ngày qua, thời tiết có mưa trở lại những vẫn không đủ để 2 hồ trên tích nước. Trong khi đó, hiện nay 2 hồ trên đang phải cung cấp nước tưới tiêu cho trên 60ha lúa nước và rau màu của bà con các xã khu vực trung tâm huyện Tủa Chùa. Nên khi mực nước thấp, chính quyền địa phương và bà con đều lo ngại trong vụ mùa tới, nhiều diện tích lúa và hoa màu sẽ không đủ nước tưới tiêu.
Nói về phương án nước tưới tiêu cho nông nghiệp, theo ông Lê Văn Thi, hiện Công ty Thủy nông Điện Biên đã triển khai các phương án đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp trong trường hợp nguồn nước dự trữ không đủ. Theo đó, công ty đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp cấp nước tưới tiết kiệm và cấp luân phiên.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông trên địa bàn thường xuyên theo dõi diễn biến, cập nhật mực nước tại các khe, suối để xây dựng kế hoạch tưới tiết kiệm, luân phiên, tập trung nguồn nước đảm bảo cho sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm đả bảo phát huy hiệu quả tối đa nguồn nước hiện có.