Khoáng sản

Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng ĐBSCL: Nhiệm vụ cấp bách

Lan Chi 09/04/2024 - 10:55

(TN&MT) - Việc điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội là rất cần thiết và cấp bách, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, chương trình công tác năm của Bộ TN&MT, chương trình công tác của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác.

ĐBSCL có vị trí chiến lược quan trọng trong trục dọc hành lang kinh tế phía Nam của Tiểu vùng sông Mê Kông, kết nối Việt Nam với Campuchia và Thái Lan; có vùng biển rộng lớn, gắn với Vịnh Thái Lan và Biển Đông, gần các tuyến hàng hải chính, kết nối với khu vực Đông Nam Á và thế giới; là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, thương mại, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên.

11.jpg
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu cát phục vụ các dự án xây dựng

Cụ thể, biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn tài nguyên, thủy sản, suy giảm nguồn nước ngọt khiến xâm nhập mặn vào sâu nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Riêng về nguồn tài nguyên cát, sỏi, cuội lòng sông, có thể thấy, cát, sỏi, cuội, đặc biệt là cát, đóng vai trò chiến lược quan trọng trong việc cung cấp các hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế. Sau nước, cát là tài nguyên được sử dụng nhiều nhất trên toàn cầu. Khai thác cát, sỏi lòng sông có khả năng mở rộng dòng chảy tạo điều kiện giảm thiểu ngập lụt, tạo điều kiện mở rộng, đào sâu luồng lạch cho các phương tiện vận tải thủy nhưng cũng có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sông, bờ biển.

Ngoài việc phục vụ xây dựng hạ tầng, ĐBSCL còn cần một số lượng rất lớn vật liệu để xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, san lấp lấn biển, nuôi bờ bãi ven biển, phục vụ nhu cầu mở rộng đô thị và xây dựng nhà ở.

Trước thực tế trên, Cục Địa chất Việt Nam vừa kiến nghị Bộ TN&MT giao Cục Địa chất Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng ĐBSCL phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội”.

Đề án nhằm đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên cát, cuội, sỏi lòng sông vùng ĐBSCL; đánh giá và phân vùng nguy cơ tai biến địa chất (sụt lún, sạt lở bờ sông) do ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên và tác động của hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông gây ra tại khu vực ĐBSCL; đề xuất quy hoạch thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Cục Địa chất Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp hiện trạng và quy hoạch thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông vùng ĐBSCL; điều tra xác định tài nguyên, dự báo cát, cuội, sỏi lòng sông vùng ĐBSCL; đánh giá tài nguyên cấp 333 cát, cuội, sỏi lòng sông tại các khu vực có triển vọng, khoanh định các diện tích đủ điều kiện chuyển giao thăm dò, khai thác.

Bên cạnh đó, điều tra, đánh giá đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo, tai biến địa chất (lòng sông cổ, sụt lún, sạt lở bờ sông); xây dựng các mô hình xu thế xói lở, bồi tụ và cảnh báo nguy cơ tai biến địa chất (sụt lún, sạt lở bờ sông) có tính đến ảnh hưởng do hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông gây ra.

Ngoài ra, xây dựng quy trình, đề xuất công nghệ theo dõi giám sát, kiểm tra việc thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông theo công nghệ hiện đại, hiệu quả; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, trữ lượng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng ĐBSCL kết nối với Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia.

Cục Địa chất Việt Nam mong rằng, Đề án được hoàn thành sẽ là cơ sở để khoanh định diện tích tiềm năng cát, cuội, sỏi trên các sông vùng ĐBSCL; đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách về cát (xây dựng, san lấp,..) cung cấp cho các Dự án, công trình trọng điểm quốc gia (cao tốc, cảng, khu công nghiệp,…) và đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ổn định, bền vững trong khu vực.

Đề án được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan quản lý, địa phương định hướng trong công tác quản lý, quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản cát, cuội, sỏi trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Đặc biệt, sau khi hoàn thành, Đề án sẽ góp phần đánh giá cơ chế bồi tụ, xói mòn liên quan đến việc khai thác cát, cuội, sỏi, từ đó xây dựng các giải pháp khai thác hợp lý, bền vững; đồng thời xây dựng quy trình công nghệ giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông cho vùng ĐBSCL và cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng ĐBSCL: Nhiệm vụ cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO