Tài nguyên nước

Điều tiết liên hồ chứa trước mùa mưa bão Thanh Hóa đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ

Thu Thủy 18/07/2023 - 10:00

(TN&MT) - Để đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp điều tiết liên hồ chứa nước trong thời điểm nắng hạn và chuẩn bị ứng phó với mùa mưa lũ năm 2023.

Ổn định nguồn nước để phát triển kinh tế nông nghiệp

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là vào thời điểm nắng nóng, ngay từ tháng 5, các đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm nguồn nước tưới.

Theo đó, các đơn vị như Công ty TNHH MTV Sông Chu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã, Công ty TNHH MTV Nam Sông Mã đã và đang căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn, kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước của từng công trình đầu mối với nhu cầu sử dụng nước của bà con nông dân để chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch tưới, phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Điều hòa, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí.

a3-1-.jpg
Nạo vét, tăng cường khả năng tích nước tại các lòng hồ, đảm bảo công tác tưới tiêu

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, vận hành, nhằm giảm tổn thất nước trên kênh và mức tưới cho mỗi đơn vị diện tích. Phối hợp với các cấp chính quyền dẫn nước tưới, nhất là vào thời kỳ căng thẳng về nguồn nước, nhằm tránh tình trạng tranh chấp lấy nước khi hạn hán xảy ra gây khó khăn cho công tác điều hành chống hạn. Thực hiện nạo vét các cửa lấy nước tại các trạm bơm, chuẩn bị sẵn sàng vật tư để nối dài ống hút khi mực nước xuống thấp. Công ty cũng đã điều tiết, chỉ đạo để các chi nhánh thủy nông thực hiện lắp đặt các máy bơm dã chiến, tận dụng mọi nguồn nước để bơm truyền, bơm tiếp nguồn chống hạn. Cùng với đó, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các trạm bơm.

Thực hiện các biện pháp cấp bách phục vụ đủ nước tưới cho nông dân gieo cấy, chăm sóc cây trồng vụ mùa, không để xảy ra tình trạng đồng ruộng khô hạn, Công ty Sông Chu đã ưu tiên điều tiết nguồn nước cho vùng cuối kênh của huyện Quảng Xương. Chi nhánh thủy lợi Quảng Xương đã duy tu, sửa chữa, nạo vét kênh tưới, cống, đập, bảo dưỡng 36 trạm bơm nhằm nâng cao năng lực phục vụ sản xuất của các công trình thủy lợi trên địa bàn. Các tháng vừa qua, Chi nhánh thủy lợi Quảng Xương đã nạo vét một số trục kênh dẫn của các trạm bơm, nạo vét hệ thống kênh tiêu nhằm trữ nước chống hạn đầu vụ mùa và tiêu thoát nước nhanh, chống ngập úng khi mưa to với tổng khối lượng đã đào đắp gần 3.100m3 bùn, đất.

Phát động đợt thi đua, huy động 100% cán bộ, kỹ sư, công nhân về cơ sở kể cả thứ 7, Chủ nhật phối hợp với chính quyền địa phương tập trung đợt cao điểm dẫn nước luân phiên vào đồng ruộng một số xã vùng cuối kênh, vùng cao… cho nông dân sản xuất vụ mùa. Chi nhánh đã bố trí công nhân thay ca thường trực tại âu Mai Chữ (xã Quảng Yên) làm nhiệm vụ điều tiết nước ngọt từ sông Hoàng cho sông Lý (do nguồn nước sông Lý xuống thấp) tạo nguồn nước cho các trạm bơm ven sông Lý hoạt động.

a2-2-.jpg
Cần điều hòa, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí

Hiện nay, các trạm bơm tưới đã và đang vận hành bơm nước sông Hoàng, sông Lý phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống cống tiêu Ngọc Giáp, Quảng Châu, Trường Lệ… đã được chi nhánh vận hành, điều tiết phù hợp vừa đảm bảo trữ nước ngọt tưới cho cây trồng vừa tiêu thoát lũ khi trời mưa to. Toàn bộ diện tích sản xuất vụ mùa do Công ty Sông Chu - chi nhánh Thủy lợi Quảng Xương đảm nhận tưới đã cơ bản đủ nước cho bà con đổ ải, gieo cấy.

Chủ động ứng phó trước mùa mưa lũ

Đến nay việc đánh giá an toàn đập hiện còn nhiều bất cập, hầu hết các đập, hồ chứa đều xây dựng từ lâu, bằng thủ công hoặc theo tiêu chuẩn cũ, không phù hợp và đáp ứng quy định hiện hành; các đơn vị quản lý khai thác công trình chủ yếu đánh giá trực quan bằng mắt thường, đập nào có nguy cơ mất an toàn cao mới đưa vào danh mục hồ mất an toàn.

Tuy nhiên, trên thực tế một số hồ vận hành bình thường nhưng khi đánh giá, đối chiếu với TCVN 11699:2016. Công trình thủy lợi - Đánh giá an toàn đập thì hồ được xếp loại 3 - đập có nguy cơ mất an toàn, nên sẽ ảnh hưởng đến việc theo dõi, chỉ đạo, quản lý vận hành công trình.

Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo tổ chức ra quân đồng loạt nạo vét khơi thông dòng chảy, phá bỏ ách tắc các hệ thống tiêu trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 20/5/2023 đến ngày 20/6/2023 với khối lượng nạo vét, tháo dỡ ách tắc, vớt bèo tây, bè mảng, rau muống như sau: nạo vét kênh tiêu là 507.045m³, trong đó kênh liên huyện, liên xã là 115.393m³, kênh nội đồng là 391.652m³; vớt bèo tây, bè mảng, rau muống là 1.411.970m², chiều dài là 613.442m.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa: Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2023, Sở NN&PTNT đã chủ động triển khai nhiều biện pháp.

Trong đó, đối với 101 hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã chủ động gia cố, sửa chữa các hư hỏng, hạn chế tối đa xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; tập kết đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” trong phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp được phê duyệt để sẵn sáng ứng phó khi có sự cố xảy ra; với 30 công trình đã được bố trí nguồn vốn đầu tư nhưng chưa triển khai thi công, khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thi công, sửa chữa, đảm bảo an toàn công trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều tiết liên hồ chứa trước mùa mưa bão Thanh Hóa đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO