Cũng theo báo cáo, chi phí cho các tấm pin mặt trời mái nhà kết hợp với pin lưu trữ nội địa tại Anh và Đức sẽ giảm khi thời gian hoàn vốn đầu tư ban đầu giảm từ 9 năm xuống còn 7 năm. Như vậy, trong khoảng 19 năm tuổi thọ tiếp theo, các tấm pin này cơ bản sẽ tạo ra nguồn điện miễn phí.
Phân tích cho thấy, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng giá khí đốt, hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tại Anh đã tăng cao. Người tiêu dùng Anh đang “đổ xô” sử dụng điện từ năng lượng mặt trời với trung bình 8.000 lượt lắp đặt/tháng.
Trong khí đó, chi phí đầu tư năng lượng mặt trời trang trại cộng với pin lưu trữ hiện ở mức ở mức 82 bảng Anh/MWh, rẻ hơn giá điện khí ngay cả trước cuộc chiến Nga – Ukraine. Dự báo, mức chi phí sẽ giảm mạnh xuống dưới 66 bảng Anh/MWh vào năm 2026.
Gareth Redmond-King, Nhà phân tích quốc tế tại ECIU nhận định, diễn biến giá năng lượng mặt trời ở Anh là một phần của câu chuyện lớn hơn nhiều về động lực toàn cầu đằng sau quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới phát thải ròng bằng 0. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã thúc đẩy những nỗ lực của châu Âu nhằm loại bỏ khí đốt của Nga và dẫn đến sản xuất năng lượng mặt trời đạt mức kỷ lục ở một số quốc gia vào mùa hè này. Các thị trường đang thúc đẩy sự bùng nổ này và người tiêu dùng có thể là những người hưởng lợi nhiều nhất.
Ở quy mô lưới điện, năng lượng mặt trời rẻ hơn nhiều so với điện khí – bất kể nguồn điện đó có bộ lưu trữ pin đi kèm hay không. Trước đây, điện khí được ưa chuộng vì “có thể điều độ” - tức là có thể được khởi động để vận hành khi nhu cầu năng lượng tăng lên đột ngột, hay nguồn năng lượng tái tạo giảm vì không có nắng, gió. Nhưng giờ đây, pin lưu trữ giúp năng lượng mặt trời có thể phát điện vào ban đêm.
Tại Liên minh châu Âu (EU), việc triển khai năng lượng mặt trời cũng tăng mạnh. Vào mùa hè năm 2022, sản lượng điện mặt trời đạt mức kỷ lục, chiếm 12% tổng sản lượng điện của EU (tăng từ mức 9% vào mùa hè năm 2021), phá vỡ kỷ lục ở 18 quốc gia thành viên EU.
Chi phí tiết kiệm tương đương với 29 tỷ euro sản xuất điện từ khí đốt. Báo cáo chỉ ra, điện mặt trời đã tạo ra gần 1/4 sản lượng điện của Hà Lan và gần 1/5 sản lượng điện của Đức.
Khối EU đang trong quá trình gia tăng tham vọng về năng lượng tái tạo, giúp triển khai công nghệ sạch dễ dàng hơn và có khả năng tăng mục tiêu năng lượng tái tạo năm 2030 lên 45% - theo yêu cầu của kế hoạch REPowerEU (kế hoạch tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch và đa dạng hoá nguồn cung năng lượng của châu Âu) – tăng so với mức 40% đã được thống nhất trước đó trong Thỏa thuận xanh của khối. Các chuyên gia tính toán, kế hoạch này sẽ giúp giảm một nửa lượng nhập khẩu khí đốt của EU, tránh được khoản chi phí khí đốt tích lũy là 200 tỷ euro trong giai đoạn từ năm 2025 – 2030.