(TN&MT) - Theo Hội đồng Điện gió ngoài khơi (GWEC), Việt Nam cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc trong các quy trình cấp phép và điều hành điện gió ngoài khơi, đồng thời, xây dựng các dự án thí điểm với tổng công suất 4GW làm “cú huých” cho sự phát triển của ngành này.
Nếu các chính sách và quy định hỗ trợ tài chính có thể được áp dụng vào giữa năm 2023, 7GW điện gió ngoài khơi có thể được hòa lưới vào năm 2030 theo mục tiêu của dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực VIII (Quy hoạch Điện 8).
Mục tiêu lớn nhưng chậm triển khai
Trong dự thảo Quy hoạch Điện 8 mới đây nhất, Bộ Công Thương đã đề xuất, công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi dự kiến phải đạt 7MW vào năm 2030 và tăng lên 87MW vào năm 2050, nhằm đạt được mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Tương ứng, tỷ lệ điện gió ngoài khơi trong tổng các nguồn phát điện phải đạt 4,8% vào năm 2030 và 17,3% vào năm 2050, vượt qua điện gió trên bờ và gần bờ.
Theo ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Các nguồn điện tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng cho đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn. Phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi và từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt thi công, chế tạo thiết bị nhằm tăng tính tự chủ, giảm giá thành là định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam trong những năm sắp tới.
Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi đúng nghĩa nào. Công suất điện gió hiện nay chủ yếu đến từ điện gió trên bờ và gần bờ. Theo ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc quốc gia của GWEC tại Việt Nam, phải mất từ 6 - 8 năm để đưa một trang trại gió ngoài khơi vào hoạt động. Do đó, nên bắt đầu với các dự án thí điểm để mang lại sự chắc chắn và rõ ràng, từ đó thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là vào một thị trường mới cho điện gió ngoài khơi như Việt Nam. Điều này cũng cho phép dự báo doanh thu dài hạn để phát triển chuỗi cung ứng địa phương - chìa khóa để giảm giá thành của điện gió ngoài khơi.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí đầu tư ban đầu cho dự án điện gió ngoài khơi có công suất 1GW tối thiểu là 2,5 tỷ USD. Ông Mark Leybourne, Trưởng chương trình Điện gió ngoài khơi (WB) cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện những khuôn khổ cần thiết cho việc thực thi các chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, bao gồm: Kế hoạch sử dụng không gian biển, quy trình cho thuê biển rõ ràng, quy trình cấp phép rõ ràng hợp đồng mua bán điện có thể đảm bảo vay ngân hàng, kế hoạch tích hợp lưới điện và quy định đảm bảo an toàn lao động.
Chính phủ thường đưa ra các vị trí dự án tiềm năng, sau đó, trao quyền cho các nhà phát triển dự án chịu trách nhiệm về các hoạt động phát triển ĐGNK thông qua đấu giá. Đây là cách tiếp cận phổ biến, được sử dụng ở Brazil, Colombia, Ấn Độ, Philippines, Vương quốc Anh, Mỹ. Quá trình phát triển dự án kéo dài và tốn kém nên Việt Nam cần sớm bắt đầu triển khai các hoạt động cần thiết nhằm đạt mục tiêu 7 GW vào năm 2030 – chuyên gia WB nhấn mạnh.
Lộ trình thí điểm
Vì thời gian để phát triển và vận hành hiệu quả cơ chế đấu giá cho điện gió ngoài khơi là khá dài (thường mất hơn 4 năm) và điện gió ngoài khơi Việt Nam còn đang ở giai đoạn khởi điểm, GWEC đề xuất 4GW dự án điện gió đầu tiên sẽ được phát triển thông qua quy trình theo từng giai đoạn trong đó bao gồm các dự án thí điểm.
Lộ trình cụ thể là Chính phủ sẽ phê duyệt lộ trình thương mại hóa ĐGNK vào giữa năm 2023 và ấn định tiêu chí cho các dự án thí điểm. 1,5GW đầu tiên sẽ hoàn thành vào cuối năm 2028 và 2,5GW tiếp theo hoàn thành vào cuối năm 2029. Song song với chọn dự án thí điểm là quá trình xây dựng bộ tiêu chí đấu giá dự án và thực hiện đấu giá 3GW còn lại theo Quy hoạch điện 8, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2030.
“Với 4GW các dự án thử nghiệm, ngành điện gió ngoài khơi có thể đưa các dự án cạnh tranh lên lưới điện vào năm 2030. Các dự án này có thể được chỉ định thông qua quy trình lựa chọn hoặc quy trình lựa chọn/cạnh tranh kết hợp để lựa chọn 4GW đầu tiên. GWEC sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xác định các dự án thí điểm điện gió ngoài khơi khả thi, bảo đảm 4GW điện gió ngoài khơi sẽ được thông qua tài chính trước năm 2026” - ông Bùi Vĩnh Thắng nhấn mạnh.
Vấn đề trước mắt là chưa có quy định cụ thể về Hợp đồng mua bán điện (PPA). Hiện tại, PPA đang áp dụng cho điện gió trên bờ và điện mặt trời, nhưng các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi khối lượng tài chính lớn và cần có một liên doanh gồm các ngân hàng quốc tế và trong nước, các tổ chức tín dụng đa phương và xuất khẩu tham gia. Đây có thể là trở ngại trong việc tiếp cận các quỹ đầu tư quốc tế
GWEC khuyến khích chính phủ làm rõ biểu giá điện càng sớm càng tốt để tạo hướng đi cho việc phát triển ngành. Giá điện cạnh tranh ở mức hợp lý đặc biệt có ý nghĩa trong thời gian hiện nay và các năm tới, khi nguồn than, dầu, khí có giá cao đẩy giá điện sản xuất ra cao hơn cả giá bán tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thành lập một ủy ban điều phối liên bộ, có thể do Bộ Công Thương chủ trì. Các chính sách và quy định về gió ngoài khơi ảnh hưởng đến nhiều bộ và cấp chính quyền khác nhau, ủy ban này sẽ làm việc để đẩy nhanh việc giải quyết các vướng mắc liên quan giữa các Bộ khác nhau.