Những năm qua, các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Chăn nuôi càng phát triển thì vấn đề ô nhiễm môi trường càng trở nên cần thiết và cấp bách. Xử lý tốt vấn đề môi trường sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
Trong số các trang trại chăn nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi quy mô lớn đang hoạt động, nhiều hộ đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước, chất thải bằng hầm biogas, qua lắng lọc sau đó thải ra môi trường, hoặc chất thải chăn nuôi được xử lý bằng đệm lót sinh học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các biện pháp này chỉ giảm ô nhiễm khi số đàn gia súc, gia cầm không nhiều, nước thải sau xử lý vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khi các cơ sở không tuân thủ quy trình sản xuất, quy trình vận hành hệ thống xử lý chất thải.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên, toàn huyện hiện có 11 trang trại chăn nuôi gia súc và 17 gia trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm quy mô lớn. Hiện nay, các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn đều xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng biogas, đệm lót sinh học. những hộ chăn nuôi tập trung, quy mô lớn trên địa bàn chủ yếu xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng hầm biogas hoặc đệm lót sinh học.
Thực tế cho thấy, công nghệ xử lý biogas hay đệm lót sinh học vẫn không triệt để được nguồn gây ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi. Ðệm lót sinh học hay hầm biogas có thể xử lý tốt chất thải của vật nuôi song yếu tố khó xử lý nhất trong chăn nuôi là mùi hôi. Do đó rất cần có các biện pháp hỗ trợ, xử lý sau biogas, như xây ao hồ sinh học, vườn cây, nhưng do chi phí đầu tư lớn nên hầu hết người chăn nuôi khó thực hiện. Những năm qua việc xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường còn ít, thậm chí không có do nhiều địa phương chưa quy hoạch cụ thể vùng chăn nuôi tập trung; phần lớn hộ chăn nuôi trang trại đều làm tự phát; quy định xử phạt chưa rõ ràng, khó áp dụng…
Trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Tuấn, đội 7, xã Thanh Chăn, quy mô 400 con lợn, hoạt động theo quy trình khép kín, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi. Ðược đầu tư xây dựng kiên cố, xa khu dân cư, chất thải chăn nuôi được phân loại, xử lý, bảo đảm môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ, không gây ô nhiễm. Song vẫn chưa thể xử lý triệt để được mùi hôi do chăn nuôi.
Anh Tuấn cho biết: Nếu môi trường không được xử lý tốt thì dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Ðối với chất thải rắn, hàng ngày tôi đóng vào bao để bán cho người trồng rau, nuôi cá (mỗi năm cũng thu hàng chục triệu đồng). Ðối với chất thải lỏng tôi xây dựng hệ thống 2 hầm biogas với dung tích 50m3/hầm. Hiện tại mới chỉ dùng 1 hầm; nước xử lý qua hầm biogas dùng để tưới rau. Phải thừa nhận rằng, về cơ bản chuồng trại sạch sẽ, thoáng khí, khép kín, gia đình cũng thường xuyên dọn rửa nhưng chăn nuôi quy mô lớn mùi chất thải của vật nuôi khó xử lý triệt để.
Nhằm thực hiện hiệu quả tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững, hiện đại, ngành nông nghiệp Điện Biên cần đôn đốc, chỉ đạo các địa phương quy hoạch lại quỹ đất, đề xuất giải pháp xây dựng khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư. Huy động nguồn lực đầu tư trang thiết bị xử lý môi trường nước, không khí khu vực chăn nuôi; kiên quyết không cấp phép đầu tư, xử lý nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp, trang trại không đảm bảo các giải pháp xử lý môi trường.