Điện Biên: Xây dựng kế hoạch đấu giá khai thác khoáng sản để tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch

Trần Hương (Thực hiện)| 20/07/2021 10:19

(TN&MT) - Vài năm trở lại đây, công tác khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường trên địa bàn Điện Biên đã được siết chặt quản lý, tình trạng khai thác cát trái phép đã không còn diễn ra thường xuyên, quy mô không còn lớn.

Tuy nhiên, hành vi của một số đối tượng khai thác cát trộm ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên đã đề ra một số giải pháp nhằm quản lý tốt hơn tình trạng này, đồng thời đưa ra phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát, sỏi làm VLXD thông thường để tạo môi trường cạnh tranh minh bạch.

PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên để đánh giá tổng thể về thực trạng và giải pháp trong công tác quản lý khai thác cát.

Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

PV: Xin ông cho biết thực trạng khai thác cát, sỏi hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên?

Ông Phạm Đức Toàn:

Hiện nay địa bàn tỉnh có 5 điểm mỏ được cấp phép khai thác cát còn hiệu lực (4 điểm mỏ trên địa bàn huyện Điện Biên, 1 điểm mỏ trên địa bàn huyện Mường Chà) với tổng công suất khai thác là 31.263 m3/năm và 2 điểm mỏ tại huyện Điện Biên đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan để đề nghị cấp Giấy phép khai thác. Do công suất của các điểm mỏ được cấp phép khai thác còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp VLXD trên địa bàn, nhất là cát bê tông nên giá thành cát ở một số nơi rất cao do chi phí vận chuyển lớn, gây ra tình trạng khai thác cát trái phép.

Bên cạnh đó, nhiều lòng sông, suối ở một số huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa có cát trôi về theo mùa, người dân có nhu cầu xây dựng nhà cửa, làm đường thôn bản cũng tranh thủ tận dụng để phục vụ nhu cầu của hộ gia đình. Một người làm được dẫn đến người khác làm theo. Chính quyền xã, phường đôi khi nể nang làm ngơ nên từ tận thu 5, 7 khối, một số hộ dân, nhóm hộ dân đã mua máy về tổ chức hút cát sông, suối để bán lấy tiền. Đây là việc làm vi phạm, cần được quản lý, chấn chỉnh và nghiêm cấm.

PV: Ngoài các hộ dân khai thác cát trái phép theo hình thức nhỏ lẻ thì có hay không việc các doanh nghiệp khai thác cát vượt quá ranh giới, vị trí, tọa độ mỏ được cấp phép, thưa ông?

Ông Phạm Đức Toàn:

Việc các doanh nghiệp khai thác cát vượt quá ranh giới mỏ cấp phép trên địa bàn là có và đây là điều rất khó khăn trong quản lý tình trạng khai thác cát tại các điểm mỏ, vì vòi hút nằm sâu trong lòng sông, suối. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần kiểm tra và xử lý nghiêm. Tới đây, chúng tôi sẽ chỉ đạo tiếp tục theo dõi việc chấp hành các quyết định xử lý, nếu còn tái phạm, có thể thu hồi Giấy phép khai thác.

Năm 2020, tỉnh đã kiểm tra và phát hiện 2 doanh nghiệp khai thác cát làm VLXD thông thường vượt công suất được phép khai thác, tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 120 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản 6 tháng. Năm 2021, khi phát hiện có 2 doanh nghiệp khai thác cát làm VLXD thông thường vượt ngoài ranh giới khu vực được cấp phép. Trên cơ sở hồ sơ vi phạm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 564 triệu đồng; từ đó không có doanh nghiệp nào tái phạm.

Hiện tại, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép giảm đáng kể, hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp và từng bước được tăng cường. Tuy nhiên, do nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu nên việc ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép rất khó khăn.

Hoạt động khai thác cát, sỏi ở Điện Biên

PV: Để quản lý và khai thác nguồn tài nguyên cát tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên. Thời gian tới, Điện Biên sẽ thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Phạm Đức Toàn:

Để quản lý và khai thác nguồn tài nguyên cát tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí. Thời gian tới, UBND tỉnh Điện Biên sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản, ban hành các văn bản để chỉ đạo, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các UBND các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Ký quy chế phối hợp với UBND 2 tỉnh Lai Châu và Sơn La để quản lý hoạt động khai thác cát sỏi tại các địa bàn giáp ranh theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để tạo sự chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức và hành động của doanh nghiệp và người dân đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tăng cường trách nhiệm của ngành chức năng và chính quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý đất đai, hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương (phần khai thác trái phép hầu hết xảy ra ở diện tích đất bãi màu ven sông). Khuyến khích cộng đồng, báo chí tham gia giám sát, phản ánh, tố cáo các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhằm tăng cường vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khi phát hiện các hành vi vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm theo quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch đấu giá khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường. Trong đó, tập trung vào việc đấu giá khai thác cát để tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh hơn nữa trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

UBND tỉnh đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đồng ý chủ trương, ban hành Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh theo quy định. Theo đó, dự kiến sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát, sỏi làm VLXD thông thường 14 vị trí, khu vực trong thời gian tới. Đẩy nhanh tiến độ đấu giá, sớm đưa các điểm mỏ trúng đấu giá vào khai thác, bổ sung nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Xây dựng kế hoạch đấu giá khai thác khoáng sản để tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO