Điện Biên: Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa lũ

Trần Sơn| 02/07/2020 16:58

(TN&MT) - Mùa mưa lũ đang đến gần, song hiện nay mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hồ, đập Công ty TNHH quản lý Thủy nông Ðiện Biên đã và đang chủ động các phương án, vật tư, trang bị đầy đủ tại các hồ chứa, sao cho vừa đáp ứng tích nước phục vụ sản xuất, vừa phải đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ.

Triển khai phương án đảm bảo an toàn Hồ bản Ban, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Có mặt tại hồ Pe Luông, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên (Điện Biên) những ngày cuối tháng 6 vừa qua, các giải pháp ứng phó trong mùa mưa lũ năm 2020 đang được cán bộ Ban quản lý Hồ gấp rút triển khai. Ðược biết, hồ Pe Luông có dung tích hữu ích hơn 3 triệu mét khối, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho gần 300ha canh tác vùng hạ du. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn hồ chứa càng được coi trọng. Theo quan sát của chúng tôi, để ứng phó với tình hình mưa lũ, ngoài việc thường xuyên có cán bộ túc trực, Ban quản lý Hồ Pe Luông còn thực hiện nghiêm quy trình vận hành, điều tiết nước và chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để chủ động ứng cứu, bảo vệ an toàn cho công trình.

Trao đổi với PV, bà Phùng Thị Bích Hà, Cụm trưởng Cụm thủy nông Pe Luông (Công ty TNHH quản lý Thủy nông Ðiện Biên) cho biết: Ðể phòng chống lụt bão, Cụm đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Hiện nay, cụm có 8 thành viên, trong đó có 1 cụm trưởng, 1 kỹ thuật, 3 người làm công tác bảo vệ trực hồ, 3 người làm quản lý tuyến Ðại thủy nông Nậm Rốm và thủy nông hồ Pe Luông. Ngoài những người trực hồ 24/24 giờ thì khi có sự cố, 100% cán bộ sẵn sàng có mặt, kịp thời để xử lý sự cố.

Cán bộ, nhân viên Cụm thủy nông Pe Luông (Công ty TNHH quản lý Thủy nông Ðiện Biên) chuẩn bị vật tư để đảm bảo an toàn cho hồ, đập.

Bên cạnh đó, cụm cũng lập phương án phòng, chống mưa lũ theo phương châm “Bốn tại chỗ” để ứng phó, xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn cho công trình, các vật tư, như: Cọc, phên tre, đá, rọ thép, đá hộc, cát sỏi và bao tải... để khắc phục ngay khi xảy ra mưa lũ ảnh hưởng đến hồ, đập.

Cụm hồ thủy nông Hồng Khếnh, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) cũng đã chủ động các phương án đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa sắp tới, Ông Ngô Minh Tiễn, Cụm trưởng Cụm thủy nông Hồng Khếnh cho biết: Không chủ quan với tình hình phức tạp do mưa lũ gây ra, chúng tôi thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu trên đập. Chỗ nào bị xuống cấp, sụt lún nhỏ thì khắc phục trước, nếu ngoài khả năng sửa chữa thì báo cáo về Công ty kịp thời xử lý. Ngoài ra, các vật tư phòng, chống lụt bão, như: Rọ đá, đá hộc, bao tải, cát… cũng được đơn vị tập kết tại hồ để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.

 

Trao đổi về các phương án đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ năm nay, ông Lê Văn Thi, Phó Giám đốc Công ty TNHH quản lý Thủy nông Ðiện Biên cho biết: Trung tuần tháng 6 vừa qua, Công ty phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá tình trạng các hồ chứa nước, nhất là các công trình đầu mối quan trọng để sửa chữa, khắc phục kịp thời những hư hỏng, biểu hiện xuống cấp. Ðồng thời kiểm tra các hạng mục đập dâng nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả cát; chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu, vật liệu dự phòng trước, trong mùa mưa lũ. Do đặc thù địa bàn miền núi, các công trình hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh bị chia cắt nên vào mùa mưa lũ khi xảy ra sự cố rất khó khăn cho việc ứng cứu.

Với phương châm “Phòng là chính”, công ty đã chủ động phối hợp với lực lượng ứng cứu của các Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, cơ quan, doanh nghiệp và người dân để có các phương án phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai cho các công trình. Ðặc biệt, căn cứ vào tính chất, đặc thù tự nhiên của mỗi hồ đập, đơn vị đã xây dựng phương án phòng, chống lũ phù hợp, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường, gây mất an toàn. Công ty đã phân công cán bộ, công nhân viên phụ trách các hồ, đập và duy trì chế độ trực 24/24 giờ; phối hợp với các lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương để ứng cứu hồ đập, sơ tán dân trong vùng hạ du khi sự cố xảy ra…

Ông Thi cho biết thêm, hiện nay tại một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn xảy ra tình trạng bồi lắng khiến dung tích thực tế bị thu hẹp nhiều so với thiết kế ban đầu, gây khó khăn đối với công tác đảm bảo an toàn hồ đập. Nhất là các hồ: Pe Luông, Pá Khoang, Huổi Phạ… khi xảy ra mưa lớn, khả năng chứa nước sẽ hạn chế, khó tính toán lưu lượng nước về hồ để tích nước, điều tiết lũ hợp lý. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh, cơ quan chức năng quan tâm, sớm bố trí kinh phí nạo vét lòng hồ để đảm bảo thực hiện tốt nhất công tác phòng, chống lụt bão, an toàn hồ đập trong thời gian tới.

Ðảm bảo an toàn cho các hồ đập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống lũ lụt mùa mưa bão. Chính vì vậy, việc chủ động của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sản xuất, tài sản của Nhà nước và tính mạng, tài sản của nhân dân, đồng thời giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO