Điện Biên: Thấy gì sau vụ sạt lở mỏ đá Công ty Hoàng Anh

07/12/2015 00:00

(TN&MT) - Sau sự cố này phía Công ty Hoàng Anh chắc chắn sẽ phải tính đến phương án quy trình khai thác cắt tầng, tạo tầng và khoan công suất; bảo đảm quy trình...

 

(TN&MT) - Đêm ngày 29 và ngày 30/11, mỏ đá của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh), khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường, tại bản Ka Hâu 2, xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; sạt trượt khoảng 40.000m3 đá từ đỉnh núi xuống chôn lấp 1 chiếc máy xúc của Công ty.

PV Báo Điện tử TN&MT đã xuống khu vực mỏ đá tại bản Ka Hâu 2, (xã Na Ư, huyện Điện Biên) tìm hiểu nguyên nhân. Qua quan sát cho thấy, phía Công ty Hoàng Anh không khai thác mở vỉa, cắt tầng, phân lớp. Tại điểm sạt trượt, mặt cắt của ngọn núi nhẵn, diện tích rộng và có lớp đất bám. Hiện vẫn còn vết nứt chạy dài cắt chéo ngọn núi.

Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Anh lý giải: “Núi đá sạt trượt do Công ty kích nổ mìn trước đó (quãng 17 giờ, ngày 29/11), khối lượng đá ban đầu sau kích nổ khoảng 20.000m3. Nhưng do vết nứt và kiến tạo phong hóa, nên lượng đất, đá sạt trượt sau vài giờ kích nổ vẫn diễn ra. Sở dĩ chiếc máy xúc bị chôn lấp vì đang bị hỏng từ trước đó; điều này không nằm ngoài dự tính của chúng tôi. Song vì an toàn cho công nhân nên chúng tôi không cho nhân công sửa máy nữa mà chấp nhận để đá vùi lấp chiếc máy xúc này”.

PV thu thập tài liệu, thông tin ban đầu tại Sở TN&MT, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, cho thấy: Vị trí khai thác mỏ, nổ mìn của Công ty Hoàng Anh đúng với những gì đơn vị được cấp phép và quy trình khai thác khấu xuất. Giám đốc điều hành mỏ, chỉ huy nổ mìn có đầy đủ tư cách pháp lý cũng như trình độ đảm nhiệm điều hành, chỉ huy khai trường.

Thực tế tại nhiều mỏ đá hiện nay, một hiện tượng thường xuyên bắt gặp đó là việc phá bỏ nguyên tắc cơ bản trong khai thác đá. Các mỏ đá này được khai thác theo quy trình ngược: Từ dưới lên. Kiểu khai thác hàm ếch này có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, và rút ngắn thời gian nhưng tiềm ẩn nguy cơ khó lường về tai nạn lao động. Khi khai thác phía dưới, mỏ đá bị mất chân, liên kết giữa các khối đá yếu, các tầng đá ở phía trên có thể dễ dàng đổ gãy, gây nguy hiểm đối với những người đang làm việc dưới chân núi. Trong khi đó, theo quy trình kỹ thuật, để đảm bảo an toàn lao động, nhà sản xuất phải khai thác theo kiểu cắt tầng, phân lớp, làm từ trên đỉnh xuống đến chân núi. Mỗi tầng khai thác phải bạt rộng ra, bóc hết lớp đá này đến lớp đá khác.

Tuy nhiên, nếu làm theo quy trình nêu trên thì bảo đảm an toàn nhưng chi phí đầu tư cao, sản lượng không nhiều, tiến độ chậm… Trong khi chọn lối khai thác đá theo kiểu “ăn xổi”, tức là khoan lỗ, đặt mìn từ dưới chân núi, tạo ra các “hàm ếch”, nhưng các chủ mỏ lại không hề có các biển báo khu vực nguy hiểm cũng như các điểm tránh trú ẩn an toàn cho công nhân khi nổ mìn, thì tai nạn xảy ra là điều dường như đã được báo trước...

Sau rất nhiều bài học về tai nạn do mỏ đá gây ra trên toàn quốc trong thời gian gầy đây, nhiều hồi chuông cảnh báo đã được gióng lên. Ngay sau sự cố này, phía Công ty Hoàng Anh đã, đang triển khai phương án theo quy trình khai thác cắt tầng, tạo tầng và khoan công suất; để bảo đảm quy trình an toàn trong khai thác mỏ.

 

YÊU CẦU AN TOÀN KHI MỞ TẦNG MỎ ĐÁ 

Theo QCVN 05:2012/BLĐTBXH, khi mở tầng mở mỏ đá, phải đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Khi khai thác phải tạo tầng. Kích thước của tầng phụ thuộc vào điều kiện thực tế và khả năng hoạt động của thiết bị sử dụng.

2. Nếu độ dốc của sườn núi lớn hơn độ dốc trượt lở tự nhiên của đất đá, phải mở tầng khai thác từ trên xuống.

3. Độ dốc của sườn núi nhỏ hơn hoặc bằng độ dốc trượt lở tự nhiên của đất đá, có thể mở tầng từ dưới lên.

4. Chiều cao của tầng khai thác phải đảm bảo theo thiết kế, đồng thời phải thoả mãn các điều kiện theo TCVN 5178 : 2004: Quy phạm kỹ thuật an toàn trong khai thác, chế biến đá lộ thiên.

5. Đối với khai thác cơ giới, chiều cao của tầng khai thác quy định như sau:

5.1. Khi sử dụng máy xúc tay gầu xúc đất đá mềm không phải nổ mìn, chiều cao tầng không được lớn hơn chiều cao xúc tối đa của máy xúc.

5.2. Khi sử dụng máy xúc tay gầu xúc đất đá phải nổ mìn, chiều cao tầng không được lớn hơn 1,5 lần chiều cao xúc tối đa của máy xúc.

5.3.Khi dùng máy xúc gầu treo, chiều cao tầng không được lớn hơn chiều sâu xúc tối đa của máy xúc.

5.4.Khi cơ giới hoá toàn bộ quá trình khai thác, chiều cao tầng áp dụng theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Khai thác lộ thiên.

6. Góc dốc sườn tầng khai thác phải đảm bảo:

6.1.Không được vượt quá góc trượt lở tự nhiên của đất đá nếu là loại đá xốp rời.

6.2. Nhỏ hơn 600 đối với loại đất đá mềm nhưng ổn định.

6.3.Nhỏ hơn 800 đối với loại đất đá rắn.

7. Bề rộng của mặt tầng công tác phải đảm bảo cho thiết bị khai thác làm việc được bình thường và an toàn:

7.1. Khi khai thác đá thủ công, không có vận chuyển trên mặt tầng thì bề rộng mặt tầng không nhỏ hơn 1,5 m.

7.2. Khi khai thác thủ công có vận chuyển bằng goòng đẩy tay thì bề rộng mặt tầng không nhỏ hơn 3 m.

7.3. Khi khai thác cơ giới bề rộng mặt tầng phải đảm bảo đủ cho thiết bị khai thác, phương tiện vận chuyển lớn nhất làm việc an toàn.

8. Góc nghiêng của mặt tầng khai thác:

8.1. Khi khai thác thủ công, góc nghiêng của mặt tầng không lớn hơn 150.

8.2. Khi khai thác cơ giới, góc nghiêng của mặt tầng tính theo độ ổn định của thiết bị khi hoạt động trên tầng. Những chỗ vòng phải đảm bảo độ siêu cao theo quy định mặt nền đường xe cơ giới.

9.Trước khi cắt tầng mới phải kiểm tra sườn tầng và mặt tầng, cách mép tầng 0,5 m không được có đá hoặc bất cứ vật gì có thể rơi xuống tầng dưới.

10. Đối với mỏ đá có hang cát-tơ, trong quá trình mở tầng, nổ mìn khai thác phải có giải pháp an toàn được giám đốc mỏ phê duyệt.

 

 

 

CHUẨN BỊ KHAI TRƯỜNG MỎ ĐÁ 

Phương pháp mở vỉa và trình tự khai thác mỏ phải được lựa chọn trên cơ sở so sánh các phương án kinh tế - kỹ thuật và có đủ các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động, để đảm bảo cho công tác khai thác được an toàn.

Khi mở vỉa phải:

+ Dọn sạch cây, chướng ngại vật trong phạm vi khai trường.

+ Di chuyển nhà cửa, công trình nằm trong phạm vi nguy hiểm do nổ mìn, đá lăn.

+ Làm đường lên núi đảm bảo đưa thiết bị, vật liệu đến nơi công tác và người đi lại thuận tiện, an toàn.

+ Chuẩn bị bãi thải và đường vận chuyển đá, đất đá thải.

+ Làm mương thoát nước và bờ ngăn nước chảy vào khai trường, nếu khai thác các mỏ nằm dưới mức thoát nước tự nhiên.

- Quá trình xây dựng cơ bản để chuẩn bị khai thác phải tiến hành theo đúng thiết kế đã được duyệt. Nếu thay đổi thiết kế phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền duyệt thiết kế.

 

 

 

Bài & ảnh: Trần Hương

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Thấy gì sau vụ sạt lở mỏ đá Công ty Hoàng Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO