Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các cơ sở sơ chế dong riềng đều nằm dọc quốc lộ 279 và đặt ngay sát dòng suối đầu nguồn sông Nậm Rốm. Do đó, ảnh hưởng từ việc xả các chất thải, bã dong riềng sau sơ chế xuống dòng nước rất nặng nề.
Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 10 cơ sở sơ chế, chế biến dong riềng. Những năm trước, vì hoạt động xả thải sau sơ chế dong riềng, dòng suối Nậm Rốm chảy qua địa bàn xã bị chuyển màu đen ngòm, gây mùi khó chịu. Trước thực trạng đó, chính quyền xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các hộ sản xuất ký cam kết bảo vệ môi trường; phối kết hợp với Phòng TN&MT huyện, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra, xử phạt hành chính...
Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở chế biến dong riềng đều không thực hiện đúng theo cam kết bảo vệ môi trường đã ký. Các ao lắng nước gần như đã đầy bã, không được cải tạo, nạo vét, mà nước thải được tạo dòng khơi thẳng ra suối.
Theo ông Giàng A Chợ, khó khăn cho phía chính quyền xã là không có máy móc, dụng cụ, để xác định mức độ ô nhiễm, nên chỉ áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở không tuân thủ đúng cam kết bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiến nghị lên cấp trên có biện pháp giúp đỡ xử lý triệt để, giảm thiểu nước thải từ sơ chế dong riềng ra ngoài suối.
Dù chưa có có cơ sở chính xác về mức độ ô nhiễm, nhưng việc dòng suối bị chuyển màu đen ngòm và bôc mùi hôi thối cũng đã phần nào khẳng định sông Nậm Rốm đang bị “bức tử” từ hoạt động sơ chế dong riềng. Việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường tạo sinh kế lâu dài cho người dân trồng dong riềng đang dần ổn định và đi đúng hướng. Tuy vậy, xử lý ô nhiễm môi trường triệt để không chỉ dừng lại từ phía người dân và các chủ cơ sở sản xuất.
Một số hình ảnh PV Báo TN&MT ghi ngày 8/11/2018.