Ông Chu Xuân Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Điện Biên, cho biết: Diện tích cấy lúa nước vụ chiêm năm 2022 của huyện không cấy được vụ này khoảng 40ha, tại xã Sam Mứn, huyện Điện Biên. Diện tích này hàng năm người dân vẫn canh tác bình thường và nằm trong hệ thống tưới của hồ Hồng Sạt. Tuy nhiên, năm nay do hồ này đã cạn, không đủ để tưới cho diện tích kể trên. Nhưng bà con vẫn quyết tâm cấy, khắc phục bằng cách mượn máy bơm của Công ty TNHH quản lý Thủy nông Điện Biên (gọi tắt C.ty Thủy nông Điện Biên), tự bỏ chi phí bơm nước từ hồ lên tưới trực tiếp.
Ngoài diện tích khô hạn 40ha của xã Sam Mứn, huyện Điện Biên thì một số xã cuối kênh thuộc hệ thống tưới của hồ Pe Luông, hồ Hồ Huổi Phạ, hồ Hồng Khếnh… như: Xã Noong Luống, Pom Lót, Thanh Yên… khó khăn về nước. Nguyên nhân chính do một số xã, phường đầu kênh như : Thanh Nưa, Thanh Trường, Thành Bình, Thanh Luông… người dân chưa ý thức trong việc lấy nước vào ruộng, để nước chảy tràn… ra suối. Mặt khác, sự phối hợp giữa những cán bộ quản lý của C.ty Thủy nông Điện Biên, phụ trách xã, phường về công tác điều tiết nước, tưới tiêu chưa nhịp nhàng.
Ông Bách cho biết thêm: Các xã của huyện Điện Biên ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Thủy nông Điện Biên điều tiết nước từ kênh cấp 2 xuống kênh mương nội đồng. Tuy nhiên, tình trạng ruộng lúa của bà cho chỗ này, chỗ kia khô hạn, nước cấp không tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện vẫn phải thường xuyên điện thoại trao đổi, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ Công ty Thủy nông Điện Biên điều tiết nước cho hợp lý.
Là một trong những xã ở cuối kênh tưới, nằm trong diện tích tưới của Công ty Thủy nông Điện Biên, ông Cà Văn Tranh, Chủ tịch UBND xã Noong Luống, chia sẻ: Vụ chiêm xuân năm nay, Noong Luống có khoảng 4ha diện tích khô hạn, nước không đến được để tưới. Diện tích tưới chỉ đạt khoảng 70 -75% lúa cấy vụ chiêm xuân, năm 2022. Trước đây, người dân tự mua máy bơm về bơm trực tiếp từ kênh cấp 2 lên tưới. Song, 2 năm trở lại đây, chi phí xăng dầu lên cao, bà con không làm như thế nữa mà chuyển sang trồng rau màu.
Hiện nay, chúng tôi đang cho các bản rà soát lại một loạt những diện tích trên cao nước không đủ tưới, khoảng 30 – 40ha để chuyển đổi mục đích canh tác.
Theo ý kiến của ông Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên: Công ty Thủy nông Điện Biên cần có biện pháp, sự phối hợp với các chính quyền địa phương trong việc điều tiết nước, có lịch lấy cụ thể rõ ràng, đặc biệt là khâu kiểm tra, giám sát. Nhất là đối với các xã phường ở tuyến đầu kênh, như: phường Thanh Trường, Thanh Bình, xã Thanh Luông, Thanh Nưa trong lúc lấy nước vào ruộng.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu nước tại một số diện tích nằm trong diện tích tưới của Công ty Thủy nông Điện Biên, tại các xã cuối kênh. Rất mong tình trạng này được khắc phục trong thời gian tới, để đảm bảo nguồn nước bề mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con.