Đất đai

Điện Biên: Quy hoạch sử dụng đất thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Hoàng Châu 01/11/2024 - 11:11

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Điện Biên xác định công tác quy hoạch sử dụng đất có vai trò rất quan trọng, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng có liên quan đến sử dụng đất, tạo tính liên kết liên vùng; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tôn trọng tự nhiên. Qua đó, nhằm đề ra định hướng đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, thời gian qua, để xây dựng thành phố Điện Biên Phủ phát triển xứng tầm, văn minh, hiện đại, thành phố đã vừa tập trung điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung, vừa đẩy mạnh kêu gọi thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.

Thực hiện công tác quy hoạch, thành phố Điện Biên Phủ đã chủ động xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ chương trình phát triển đô thị, tầm nhìn 2030 để trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện các công trình dự án lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

a1(1).jpg
Thành phố Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Trong ảnh: Một góc thành phố Điện Biên Phủ

Ông Nguyễn Đạt Long, Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ: Theo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, thương mại - dịch vụ, du lịch, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa nghệ thuật của tỉnh, là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc.

Để từng bước nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai, định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch dân cư phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị trong từng giai đoạn. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ sớm phê duyệt các đồ án quy hoạch, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết gắn với các dự án đầu tư để sớm triển khai các dự án đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, dịch vụ, hướng đến xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

a2(1).jpg
Công trình cầu Thanh Bình khánh thành cuối năm 2023 với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Hiện thành phố đang tổ chức lập quy hoạch chung theo địa giới hành chính mới. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP. Điện Biên Phủ với tổng diện tích tự nhiên 306,58km2, tổng quy mô dân số 86.003 người với 12 đơn vị hành chính, bao gồm 7 phường (Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam, Thanh Trường, Thanh Bình, Nam Thanh, Noong Bua) và 5 xã (Thanh Minh, Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang).

Đây được xác định là đồ án rất quan trọng, không những đóng vai trò động lực phát triển của tỉnh mà còn là trung tâm đô thị du lịch quốc gia đã được định hướng trong quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn giai đoạn 2021 - 2030, đáp ứng với yêu cầu phát triển của thành phố nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như: Việc lập, quản lý quy hoạch chi tiết các khu, điểm theo quy định chung xây dựng thành phố tại một số thời điểm chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc phối hợp với UBND các phường, xã, Đội Quản lý trật tự đô thị trong công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có lúc còn chưa kịp thời, chưa chặt chẽ.

z5959713419577_6888bff2503ec30e154e51a7e6f9ea4b.jpg
Khu trung tâm thương mại và nhà ở thương mại Thành phố do Tập đoàn VinGroup đầu tư.

Thời gian tới, thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc xây dựng đô thị và triển khai lập các dự án quy hoạch chi tiết các khu, điểm theo quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai nhằm phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Chỉnh trang các khu dân cư trong khu đô thị hiện hữu và các vùng lân cận để bố trí, ổn định dân cư bảo đảm phù hợp với quy hoạch góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị thành phố và tăng dân số cơ học, tăng mật độ dân số để từng bước đáp ứng về quy mô dân số toàn đô thị và mật độ dân số đô thị theo tiêu chí đô thị loại II.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Quy hoạch sử dụng đất thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO