Để đánh giá công tác quy hoạch đất đai trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua và từ đó định hướng ban hành kế hoạch, chiến lược quy hoạch đất đai trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh. PV Báo TN&MT đã có buổi trao đổi với ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về vẫn đề này
PV: Xin ông cho biết công tác quy hoạch đất đai trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua (giai đoạn 2015-2020) và những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay?
Ông Phạm Đức Toàn:
Công tác quy hoạch đất đai trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Điện Biên đã thực hiện và hoàn thành việc lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh; lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện (2015-2020) theo quy định. Tỉnh đã kịp thời phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2011-2020 cho các huyện, thị xã, thành phố theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 18/6/2018. Quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã dần đi vào nề nếp, đảm bảo kỷ cương luật pháp, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về đất đai trong nhân dân; phục vụ hiệu quả cho thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN của địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo quản lý và sử dụng đất tiết kiệm, khai thác hợp lý.
Cùng với đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xây dựng có chất lượng đã tạo điều kiện chủ động trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong 5 năm qua thu ngân sách từ đất (tiền sử dụng đất và đấu giá đất) trên địa bàn tỉnh đã đạt 844,6 tỷ đồng, chiếm 13,6% số thu ngân sách trên địa bàn, đã góp phần phát huy tốt nguồn lực đất đai, tạo nguồn lực để tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH. Diện tích đất chưa sử dụng được quản lý chặt chẽ hơn đảm bảo quỹ đất cho các mục tiêu phát triển theo định hướng dài hạn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Một số chỉ tiêu sử dụng đất thấp so với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; việc triển khai thực hiện một số công trình, dự án theo Kế hoạch sử dụng đất hàng năm chậm so với kế hoạch, công tác quản lý hồ sơ địa chính, tiến độ thống kê, chỉnh lý biến động đất đai không kịp thời gây khó khăn trong công tác lập, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tình trạng cơi nới, xây dựng trái phép trên diện tích đất đã quy hoạch vẫn xảy ra.
Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên |
PV: Vậy để định hướng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tỉnh Điện Biên đã ban hành kế hoạch, quy hoạch đất đai trong giai đoạn mới như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Đức Toàn:
Thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, theo đó Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thực hiện thống nhất.
Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm tỉnh Điện Biên (2021-2025), phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai để tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhằm từng bước quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai trên địa bàn tỉnh, định hướng phát triển nông lâm nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch… tạo môi trường thuận lợi, khai thác tiềm năng thế mạnh thu hút đầu tư.
Khu đất Vincom Retail xây dựng trung tâm thương mại tại trung tâm TP Điện Biên Phủ với mức giá 217,9 tỷ đồng. |
PV: Trong giai đoạn 2021-2025 tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng loại đất nào? Giải pháp để nâng cao công tác quản lý về đất đai thưa ông?
Ông Phạm Đức Toàn:
Trong giai đoạn mới quỹ đất đô thị và khu vực có lợi thế thương mại được chú trọng quy hoạch và quản lý chặt chẽ, tạo nguồn lực từ đất để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững lâu dài, nhất là khu vực thành phố Điện Biên Phủ, các xã lòng chảo huyện Điện Biên. Quy hoạch mở rộng quỹ đất ở đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về dân số và đô thị hóa. Quản lý và bảo vệ chặt chẽ diện tích đất lúa nước nhất là diện tích lúa trên cánh đồng Mường Thanh theo hướng bảo tồn cánh đồng lịch sử.
Quy hoạch diện tích đất rừng phù hợp, đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu quy hoạch quỹ đất cho phát triển KT-XH và quỹ đất rừng phòng hộ để bảo vệ và cải thiện môi trường, chú trọng quy hoạch đất cho phát triển các loại cây đa mục đích trên đất dốc; khuyến khích mở rộng diện tích mắc ca, cao su và các loại cây đa mục đích khác.
Điện Biên đẩy mạnh công tác quy hoạch sử dụng đất, chủ động quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội |
Giải pháp nâng cao công tác quản lý về đất đai tỉnh Điện Biên tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo hợp lý, có tầm nhìn dài hạn; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong quản lý, khai thác sử dụng đất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai trong cộng đồng.
Tăng cường sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, UBND các huyện thị xã, thành phố trong công tác quản lý đất đai góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ việc giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; định hướng các khu vực xây dựng điểm tái định cư, khu vực đấu giá quyền sử dụng đất ngay từ bước thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; đồng thời giám chặt chẽ việc tổ chức thực hiện; đặc biệt quản lý chặt chẽ quỹ khu vực đã được quy hoạch để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.