Điện Biên: Nỗi lo mất mùa vì sâu keo mùa thu gây hại

04/06/2019 17:51

(TN&MT) - Đến cuối tháng 5/2019, loại sâu này đã gây hại tại 9/10 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên với tổng diện tích ngô bị hại gần 3.400ha. Mặc dù người dân đã chủ động phun phòng nhưng trước khả năng lây lan, phát tán nhanh của sâu keo mùa thu, nỗi lo mất mùa của người dân là hiện hữu.

Gần 3.400ha ngô treen địa bàn tỉnh Điện Biên bị sâu keo mùa thu gây hại
Gần 3.400ha ngô treen địa bàn tỉnh Điện Biên bị sâu keo mùa thu gây hại

Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, vụ Xuân, Xuân - Hè năm nay toàn tỉnh Điện Biên gieo trồng trên 12.500ha ngô. Sâu keo mùa thu được phát hiện trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 3, đầu tháng 4/2019 tại huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa. 
Loài sâu này gây hại với tốc độ lây lan rất nhanh; tỷ lệ trung bình 1 – 2 con/m2. Tổng diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại đến cuối tháng 5/2019 gần 3.400ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 342ha. Sâu keo mùa thu đã gây hại tại 9/10 huyện, thị xã trong tỉnh. Trong đó huyện Tủa Chùa bị sâu keo mùa thu gây hại nặng nhất với 2.200ha ngô bị hại.

Hơn 20ha ngô của xã Thanh Yên, huyện Điện Biên bị sâu keo mùa thu gây hại.
Hơn 20ha ngô của xã Thanh Yên, huyện Điện Biên bị sâu keo mùa thu gây hại

Ghi nhận tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, chúng tôi được Lò Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết: Toàn xã có hơn 45ha ngô, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 20ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại. Người dân đã chủ động phun trừ nhưng thấy hiệu quả chưa cao. Sâu keo mùa thu vẫn có xu hướng phát tán mạnh trên địa bàn xã.

Toàn đội 15, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên có 15ha ngô, là đội tập trung nhiều diện tích ngô nhất của toàn xã. Theo người dân, thời gian đầu tháng 6 lẽ ra là thời điểm bà con chuẩn bị cho việc thu hoạch bắp. Thế nhưng, cùng với nắng nóng kéo dài, quá nửa diện tích ngô của người dân đội 15 đã bị sâu keo mùa thu làm cho hư hại. Nhiều diện tích ngô bị sâu ăn cụt từ ngọn đến bông, gần như mất trắng; một số diện tích ngô bị hỏng nặng đã được người dân phá nhổ và trồng lại lứa mới.

Ông Quản Bá Phỏng, Trưởng thôn đội 15, xã Thanh Yên cho biết: Năm nay người dân trồng ngô nguy cơ mất mùa cao. Từ khi gieo trồng đến nay gặp nắng nóng kéo dài khiến cây ngô khó phát triển, còi cọc, lại còn sâu keo mùa thu gây hại.
Trước tình hình đó, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên về tư vấn cho bà con cách phun phòng trừ sâu keo mùa thu. Người dân cũng đã tiến hành phun liên tục 3 ngày một lần, tuy nhiên vẫn không thể tiêu diệt được loại sâu gây hại này do sâu sinh sản, phát triển và lây lan rất nhanh. Hiện có nhiều diện tích đã bị sâu bệnh gây hại mạnh khiến cho người dân đứng trước nguy cơ mất trắng.

Người dân lo lắng trước nguy cơ mất mùa.
Người dân lo lắng trước nguy cơ mất mùa

Cùng chung nỗi lo mất mùa, ông Nguyễn Đình Bình, đội 2, xã Thanh Yên cho biết: Gia đình tôi có 2.000m2 đất trồng ngô ở bãi màu, mỗi năm cho thu hoạch từ 1,6 - 2 tấn ngô. Tuy nhiên năm nay toàn bộ diện tích ngô của gia đình đã bị sâu keo mùa thu gây hại nặng nề. Chúng tôi rất lo lắng vì sợ mất trắng toàn bộ diện tích ngô trồng năm nay. Gia đình cũng đã 3 lần phun thuốc phòng trừ, sâu có chết nhưng vài ngày sau lại xuất hiện lứa mới.

Sâu keo mùa thu với khả năng phát tán nhanh, gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây ngô
Sâu keo mùa thu với khả năng phát tán nhanh, gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây ngô

Sâu keo mùa thu là loài sâu ngoại lai mới xâm lấn vào Việt Nam, có khả năng di trú xa, gây hại mạnh trên cây ngô. Đây là loại sâu có tính gối lứa rất cao, con trưởng thành có khả năng sinh sản kéo dài với tối đa 2.000 trứng. Khác với các loài từng gây hại trước đây, sức ăn của sâu keo mùa thu rất khỏe, sâu bé thường tập trung nhiều cá thể trên một cây; sâu trưởng thành phân tán ở các cây khác nhau, tối đa 2 con/cây. Sâu keo mùa thu gây hại ở tất cả các giai đoạn trên cây ngô từ sau khi trồng đến khi ra bắp và chắc hạt.

Trước tình hình đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho UBND các huyện cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra các văn bản về việc phòng trừ sâu keo mùa thu. Đồng thời, Chi cục cũng đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật tại các địa phương thử nghiệm các loại thuốc có hiệu quả nhất trong việc phòng trừ sâu keo mùa thu. Hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên đang khuyến cáo người dân sử dụng thuốc Emaben có chứa Emamectin Benzoate có hiệu quả tương đối cao với sâu keo mùa thu. Đây là thuốc có nguồn gốc sinh học nên an toàn đối với người sử dụng.

Dù người dân đã chủ động phun phòng nhưng sâu keo mùa thu vẫn phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Dù người dân đã chủ động phun phòng nhưng hiệu quả chưa cao, sâu keo mùa thu vẫn phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết: sâu keo mùa thu hoàn toàn có thể phòng trừ được bằng thuốc hóa học nếu sử dụng đúng thuốc và đúng thời điểm, giai đoạn và phun đồng loạt. Để phát huy hiệu quả, bà con nên phun thuốc ở giai đoạn sau trồng cho đến khi cây ngô được 7 lá, hiệu quả đạt trên 80%. Thời điểm sâu gây hại sau xoáy nõn, việc phun trừ cho hiệu quả không cao. Thời điểm phun hiệu quả là vào sáng sớm hoặc chiều mát, do thời điểm này sâu thường chui ra ngoài để gây hại nên khả năng sâu tiếp xúc với thuốc sẽ cao hơn.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, do thời gian tháng 4-5/2019, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho cây ngô kém phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho sâu keo mùa thu gây hại. Để khắc phục tối đa thiệt hại cho cây ngô, ngành Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên sẽ kiểm tra lại toàn bộ diện tích bị sâu gây hại nặng để đánh giá thiệt hại về năng suất. Ngoài ra, sẽ tiến hành thử nghiệm những giống ngô có tính kháng đối với sâu keo mùa thu để tìm giải pháp giúp bà con nông dân an tâm sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Nỗi lo mất mùa vì sâu keo mùa thu gây hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO