Điện Biên: Nhiều người dân kêu cứu vì huyện không chịu giải quyết sổ đỏ

11/01/2019 12:55

(TN&MT) -  Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn của nhiều hộ dân ở xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) kêu cứu về việc chính quyền địa phương gây khó khăn trong việc cấp GCNQSD đất.  Mặc dù huyện đã xác định nhiều hộ dân sống dọc quốc lộ 279 trên đất khai hoang từ trước năm 1993 nhưng đến nay vẫn không giải quyết thủ tục cấp giấy cho họ. 

Theo đơn, người dân cho biết đã dựng nhà sinh sống nhiều năm ven đường 279 qua xã Thanh Xương. Khu đất này trước đây nằm trước Nông trường Điện Biên. Nhiều người ra đây san lấp, cải tạo từ trước những năm 90 thế kỷ trước. Những khu đất trên đều không phải đất ruộng lúa, đất rừng phòng hộ, đất quốc phòng, cũng không có bất cứ tranh chấp nào. Hàng năm các hộ dân vẫn đóng thuế đất đầy đủ cho nhà nước.

Các hộ dân đều mong muốn được cấp quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Họ đã nhiều lần gửi hồ sơ lên chính quyền để đề nghị văn phòng đăng ký đất đai huyện Điện Biên giải quyết nhưng đều bị khước từ. “Chính quyền cũng chưa có câu trả lời chính thức cho chúng tôi.” - Ông Nguyễn Văn Năm (một người dân) nói.
 

huyen dien bien
Nhiều gia đình đã sinh sống ổn địch trên khu đất dọc quốc lộ 279 nhiều năm

Người dân bày tỏ: Những ngôi nhà đang sinh sống được xây dựng từ nhiều năm nay, ngày càng xập xệ xuống cấp, chật chội, rất ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Các hộ nhiều lần làm đơn đề nghị được xây dựng, cải tạo lại nhà nhưng chính quyền địa phương lấy lý do chưa có GCNQSD đất để từ chối cấp phép. Vì quá khổ sở, một số hộ dân đã tự ý cơi nới, sửa chữa sửa chữa và bị chính quyền địa phương xuống xử lý.

Ông Nguyễn Văn Năm từng là công nhân ở nông trường Điện Biên. Ông cho biết, đất nhà ông là khai hoang tại khu C9c xã Thanh Xương. “Nay đã gần 70 tuổi, sắp chết rồi, 4 thế hệ đang sống chung mà nhà cửa dột nát, chắp vá không sửa được”.

Trả lời PV, ông Nguyễn Ngọc Đăng - cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường cho biết, trước đây khi làm đường 279 từ năm 1962, đơn vị thi công đã đào đất  2 bên để đắp, những chỗ đó trở thành vũng. Đất này thuộc quản lý của nông trường Điện Biên. Sau đó các hộ gia đình công nhân của nông trường Điện Biên ra khai hoang, xây dựng nhà cửa.
 

49815674 217366175883305 8075071861223849984 n
Người dân nhiều năm xin được huyện xã và cơ quan đăng ký đất đai giải quyết thủ tục nhưng đều bị khước từ

Theo ông Đăng, nguyện vọng của người dân cũng đã được huyện, xã xem xét và từng tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết vướng mắc. Huyện cũng đã giao cho phòng chuyên môn đo toàn bộ diện tích đất và xác định loại đất để có cơ sở xem xét.

Trao đổi với PV, ông Bùi Hải Bình (Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên) cho biết huyện đã rà soát nguồn gốc đất và xác định được, có khoảng 150 hộ dân đang sinh sống ở đây. Tuy nhiên huyện chỉ nhận định 32 hộ khai hoang, trong đó chỉ thừa nhận 13 hộ ra đây ở từ trước năm 1993, một phần khá đông ở đây từ sau năm 2000. Phần còn lại là mới ra khu đất này cố tình lấn chiếm.

Ông Bình giải thích việc huyện chưa thể cấp sổ vì yếu tố lịch sự đất đai, các hộ chưa hợp tác đo đạc, phải lập đầy đủ hồ sơ của từng trường hợp… và một lý do nữa là chờ ý kiến chí đạo của UBND tỉnh.

PV đặt câu hỏi một số hộ dân đã được xác định là ở từ lâu, xét về pháp lý có thể coi là đủ điều kiện, tại sao không xét cấp đất cho người ta. Ông Phó Chủ tịch lấy lý do là muốn làm thủ tục thì phải có hồ sơ, hiện nay chưa có bất cứ giấy tờ hồ sơ của bất kỳ gia đình nào trong số đó. Cho nên, huyện đang phải vận động các gia đình hợp tác để làm hồ sơ. Trong khi đó, người dân lại nói rằng làm hồ sơ lên huyện xin ý kiến thì đều bị khước từ.

Chúng tôi cũng đặt vấn đề về sự chậm trễ khi mà từ năm 2006, Phòng TN&MT huyện đã đo đạc đất đai ở đây, vì sao đến giờ vẫn tiếp tục đo. Ông Bình không trả lời thằng câu hỏi mà chỉ nói rằng “chúng tôi đang làm, hiện nay trong tay chưa có gì cả, và tinh thần là càng sớm càng tốt”.

Mặc dù huyện nói là chờ ý kiến tỉnh nhưng sau khi nghe PV trình bày, ông Mùa A Sơn (Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên) đã yêu cầu kiểm tra và cho biết, ông đã ký rất nhiều văn bản chỉ đạo đối với UBND huyện Điện Biên về vấn đề này. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện có báo cáo từ lâu nhưng huyện vẫn không hề có hồi âm nào.

PV cũng cung cấp thông tin về việc khá nhiều trường hợp khai hoang trước năm 1993 và được coi là có đủ điều kiện. Người đứng đầu UBND tỉnh cho biết, nếu trường hợp nào đủ điều kiện thì phải xem xét cấp sổ cho người ta. Chủ tịch Mùa A Sơn cho hay, ông sẽ tiếp tục chỉ đạo và thậm chí kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo huyện nếu vẫn không giải quyết dứt điểm.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Nhiều người dân kêu cứu vì huyện không chịu giải quyết sổ đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO