CTYTNH được phân loại ở 2 thể, rắn và lỏng. Uớc tỉnh mỗi ngày các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, thải gần 700kg rác thải nguy hại (RTNH) và 1.600m3 nước thải lỏng nguy hại, với tỷ lệ thu gom đạt 98%. Đối với RTNH, hiện các cơ sở y tế đang áp dụng hình thức phân loại ở nơi phát sinh, thu gom và xử lý chôn lấp dưới bể bê tông hoặc sử dụng lò đốt. Tỉnh đã trang bị được 9 lò đốt cho 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 6 bệnh viện tuyến huyện.
Tìm hiểu thực tế công tác xử lý RTNH tại Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho thấy còn nhiều khó khăn. Hiện Trung tâm chưa trang bị được lò đốt, trong khi RTNH mỗi ngày thải ra khoảng 13-15kg, gồm: bơm kim tiêm, kim châm cứu, lưỡi cưa phẫu thuật, lưỡi dao mổ... Tất cả được phân loại, sau đó thu gom và chôn dưới bể bê tông sâu khoảng 1,5m.
Bác sĩ Phạm Thị Hường, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, cho biết: Về lâu dài, xử lý RTNH bằng phương pháp chôn lấp sẽ không đảm bảo và phù hợp với môi trường. Hiện tại, các ngăn chứa của bể đều đã gần đầy, khả năng chứa thêm chất thải còn rất ít. Trong khi đó, khuôn viên của Trung tâm có hạn, quỹ đất dành xây thêm bể nữa là rất khó. Do đó việc xử lý RTNH theo cách này vừa tốn diện tích chôn lấp, lại khó cải tạo môi trường xung quanh. Trung tâm đã tính toán đến việc đầu tư công nghệ mới, xong chưa thể xúc tiến vì còn rất khó khăn về tài chính.
Còn tại một số cơ sở y tế khác, do lò đốt đưa vào sử dụng đã lâu nên hoạt động kém hiệu quả, xuất hiện khói bụi trong quá trình xử lý rác, ảnh hưởng đến môi trường. Trước thực trạng đó, năm 2016 tỉnh Điện Biên được hưởng nguồn vốn vay ngân hàng Thế giới (WB), đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn nguy hại theo phương pháp hấp ở nhiệt độ cao kết hợp cắt nghiền sau tiệt trùng để trở thành rác thải thông thường, với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Công suất 1 lần vận hành của hệ thống có thể xử lý được từ 40 – 60 kg chất thải rắn y tế nguy hại. Trong quá trình hoạt động hệ thống hoàn toàn không xuất hiện khói bụi, đảm bảo vệ sinh, an toàn môi trường cộng đồng.
Chính vì ưu điểm vượt trội của công nghệ xử lý chất thải rắn nguy hại nên Bệnh viên Đa khoa tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ làm đầu mối thu gom, xử lý toàn bộ lượng RTYTNH của các cơ sở y tế trên địa bàn T.P Điện Biên Phủ. Với cách xử lý theo mô hình Cụm, RTNH hại sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường an toàn cho cộng đồng. Riêng các cơ sở y tế tuyến huyện, xã lượng phát sinh RTNH thấp nên giải pháp trước mắt sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp chôn lấp, đầu tư lắp mới thêm lò đốt cho các đơn vị còn thiếu hụt.
Trao đổi về việc xử lý nước thải y tế nguy hại, Bác sỹ Lương Đức Sơn, Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết: Hiện 9/9 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế theo công nghệ vi sinh của Nhật Bản. Riêng các phòng khám đa khoa khu vực và y tế tuyến xã, do lượng nước thải nguy hại phát sinh ít nên được thu gom vào bể lắng và xử lý ban đầu bằng thuốc sát khuẩn CloraminB. Tuy nhiên, tại một số cơ sở y tế hiện đang gặp khó khăn về công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải và kinh phí chi cho quan trắc môi trường…
Trước sự gia tăng của CTYTNH, Điện Biên đã từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý, thu gom và xử lý an toàn chất thải, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, hạn chế tác động xấu tới cộng đồng là một trong những vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.