Điều chỉnh chính sách để đảm bảo lợi ích của dân
Rút ra từ những bài học thực tiễn của địa phương, với quỹ đất rộng lớn, phì nhiêu, Điện Biên luôn kỳ vọng sẽ có những mô hình kinh tế nông – lâm để bà con các dân tộc có thể làm giàu từ đất. Chính vì vậy, mô hình trồng mắc ca thí điểm ở tại Điện Biên bắt đầu thực hiện năm 2009, đến năm 2017 mắc ca cho thu hoạch, sản lượng, chất lượng tốt và cũng là cơ sở để Điện Biên mở rộng mô hình.
Lẽ đó, năm 2019 Dự án phát triển cây mắc ca tại Điện Biên được thu hút kêu gọi đầu tư. Và năm 2020 dự án trồng cây mắc ca được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Điện Biên là một trong những cây xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Cũng như các mô hình khác sau khi thí điểm thành công, cây mắc ca được tỉnh Điện Biên lựa chọn là cây có thể giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Các nhà đầu tư đã đổ xô lên đất Điện Biên, năm 2020 UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án cho 5 nhà đầu tư; trồng cây mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm... tổng diện tích 17.214ha, tổng mức đầu tư 4.729,95 tỷ đồng. Các đơn vị đã và đang triển khai trồng diện tích tại 10/11 huyện, thành phố của tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp phải một số vướng mắc từ chính sách. Ban đầu chính sách này được tính: doanh nghiệp trồng mắc ca thuê toàn bộ đất lâm nghiệp của dân, với giá 4 triệu đồng/1ha/năm. (Mức tính này dựa trên cơ sở, đồng bào thu hoạch sản lượng lúa nương của 1 năm quy ra tiền mặt. Nghĩa là, 01ha lúa nương, 1 năm đồng bào DTTS làm ra được được khoảng 4 triệu đồng, tương đương hơn 2 tấn lúa.)
Và từ năm thứ 6 trở đi người dân ngoài tiền cho thuê đất 4 triệu/ha/năm còn được thêm 4 triệu đồng/ha/năm từ việc ăn chia sản phẩm; cơ sở tính dựa vào sản lượng thu hoạch lúa nương của người dân/ha/năm và từ năm thứ 2 trở đi giá thuê đất giữ nguyên và được cộng thêm phần điểu chỉnh tăng hàng năm theo chỉ số tiêu dùng (CPI do Tổng cục Thống kê công bố). Trường hợp giá đất của Điện Biên vượt số tiền doanh nghiệp chi trả cho người dân (đã bao gồm lũy tiến) thì tính theo giá đất của tỉnh cộng với hệ số trượt giá hàng năm.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn triển khai chính sách này đã gặp một số vướng mắc nảy sinh, nhiều ý cho rằng: cách tính này không khác gì bài học cây cà phê Mường Ảng, dân góp đất cho Công ty Thái Hòa, làm ăn thua lỗ mang “sổ đỏ” cầm cố ngân hàng rồi bỏ chạy. Trước kinh nghiệm và bài học thực tiễn ấy, Đảng bộ tỉnh Điện Biên tổ chức một loạt Hội nghị đánh giá tổ chức triển khai thực hiện và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn các dự án mắc ca.
Theo đó, chính sách phát triển dự án mắc ca của tỉnh Điện Biên Biên được tính lại, đảm bảo lợi ích 3 bên: doanh nghiệp, người dân và địa phương. Trong đó, vai trò doanh nghiệp là liên kết cùng các hộ dân, hỗ trợ giống cây tốt, kỹ thuật chăm sóc và tiêu bao sản phẩm. Còn phía người dân thì có trách nhiệm thành lập tổ liên kết, HTX... chăm sóc tốt vườn cây của hộ gia đình trong hạn mức dưới 05ha. Trên hạn mức 05ha (đất lâm nghiệp) sẽ được thu hồi cho doanh nghiệp thuê lại để cùng thực hiện, cùng có trách nhiệm dàng buộc 3 bên… Tránh tình trạng người dân không còn tư liệu sản xuất đi làm thuê phập phù, đời sống không ổn định. Cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò là "trọng tài" đảm bảo lợi ích các bên, đồng thời hỗ trợ người dân cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc thông qua doanh nghiệp.
Theo cách tính đó, doanh nghiệp tham gia trồng cây mắc ca tại các tỉnh vẫn được thuê lại đất của dân để phát triển vùng nguyên liệu. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu... và nếu người dân có phá vỡ liên kết, bán mắc ca cho tư thương thì doanh nghiệp vẫn chủ động được vùng nguyên liệu.
Mặt khác, người dân cũng sẽ được giao trồng mắc ca, làm chủ vườn cây trong hạn mức không quá 5ha/hộ. (ngoài hạn mức đó dân có thể cho doanh nghiệp thuê đất trồng mắc ca...) Số tiền người dân cho doanh nghiệp thuê đất sẽ đảm bảo đời sống trước mắt, "lấy ngắn nuôi dài". Còn về lâu dài thì vẫn phải có vườn cây mắc ca của hộ gia đình, là nguồn sinh kế ổn định, bền vững.
Cần lắm một quyết tâm
Hiện nay, dự án phát triển cây mắc ca đang triển khai tại 10/11 huyện, thành phố của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, theo dánh giá của UBND tỉnh Điện Biên thì tiến độ thực hiện đang chậm so với kế hoạch đề ra. Trong đó, có nguyên nhân mộ bộ phận đồng bào DTTS chưa có nhu cầu liên kết với doanh nghiệp để trồng mắc ca, rơi vào những hộ gia đình diện tích đất canh tác ít (dưới 05ha). Các hộ có diện tích đất trên 05ha thì không phối hợp đo đạc quy chủ vì tâm lí lo sợ mất đất canh tác, sợ bị thu hồi cho doanh nghiệp thuê để trồng mắc ca.
Nậm Pồ là một trong những huyện có 2 dự án trồng mắc ca do UBND tỉnh Điện Biên cấp phép chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Him Lam mắc ca Điện Biên và Công ty cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên (trồng thâm canh) thực hiện. Tổng diện tích quy hoạch trồng mắc ca cho 2 dự án này lên đến 15.855ha. Song đến nay, kết quả triển khai đang rất chậm. Ngoài nguyên nhân chưa đo đạc quy chủ, giao đất cho doanh nghiệp còn có nguyên nhân khác đến từ phía chủ đầu... Song nguyên nhân địa phương chưa giao được đất cho doanh nghiệp lại là vấn đề nổi cộm ở hầu hết ở các huyện, thành phố trong vùng dự án.
Ông Trần Văn Long, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nậm Pồ, cho biết: Hiện nay nhiều người dân huyện Nậm Pồ không hợp tác để thực hiện việc đo đạc quy chủ với tâm lý sợ mất đất canh tác. Theo như quy định của tỉnh Điện Biên, tại dự án trồng mắc ca thì mỗi hộ dân không vượt quá 05ha đất, nếu vượt quá thì bị sẽ thu hồi để giao cho các đơn vị trồng mắc ca thuê lại mỗi 01ha là 15 triệu đồng/năm. Chính vì vậy mà nhiều hộ đã không hợp tác để đo đạc quy chủ.
Đồng bào DTTS ở Điện Biên với tâm lí lo sợ khi giao đất cho doanh nghiệp thuê hoặc sử dụng vào mục đích lâm nghiệp để phát triển rừng theo quy hoạch 3 loại rừng thì không còn đất để canh tác sản xuất nương rãy. Đặc biệt, đối với diện tích nương rãy người dân đang canh tác theo phương thức luân canh, nên người dân chưa thực sự ủng hộ, đồng tình việc đo đạc quy chủ đất lâm nghiệp.
Đây cũng là một trong những vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 của tỉnh Điện Biên.
Trong Hội nghị tổng kết công tác giao đất, giao rừng cấp giấy chứng nhận QSDĐ tháng 12/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, ông Lò Văn Tiến nhấn mạnh: Dù mục tiêu nào cũng không nằm ngoài lợi ích chính đáng của người dân. Nếu dân chưa đồng thuận thì các địa phương cần xem lại công tác dân vận Đảng, dân vận chính quyền và các ban ngành đoàn thể. Các chính quyền vào cuộc mạnh mẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân thực hiện dự án trồng mắc ca. Đến nay có một số huyện đang triển khai rất tốt tốt, trong đó có huyện Điện Biên, Mường Ảng và Tuần Giáo.
Hy vọng tương lai không xa, cây mắc ca sẽ là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo của Điện Biên.
Điện Biên đã trồng thí điểm thành công cây mắc ca triên diện tích 265ha, tại huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ được đánh giá cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Điện Biên. Đến nay, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án cho 5 nhà đầu tư; trồng cây mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm... tổng diện tích 17.214ha, tổng mức đầu tư 4.729,95 tỷ đồng. Các đơn vị đã và đang triển khai trồng diện tích tại 10/11 huyện, thành phố của tỉnh Điện Biên.