Đặc biệt, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BVMT đến các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, có hành động thiết thực về công tác BVMT.
Theo số liệu thống kê, tổng khối lượng CTRSH đô thị phát sinh khoảng 93,45 tấn/ngày, trong đó: Khối lượng CTRSH phát sinh tại TP. Điện Biên Phủ khoảng 51 tấn/ ngày (chiếm 54,57%) tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 90%, tỷ lệ CTRSH đô thị được xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh 85,13%. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 155 tấn/ngày, số lượng CTRSH nông thôn được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh 6,789 tấn/năm (đạt tỷ lệ 12%).
Bà Trần Thị Thanh Phượng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, CTRSH được thu gom, vận chuyển và xử lý tại các bãi chôn lấp chất thải theo hình thức đốt và chôn lấp hợp vệ sinh hoặc để lộ thiên có phun phế phẩm ngăn côn trùng, dịch bệnh. Toàn tỉnh có 10 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động, trong đó: 3 cơ sở xử lý rác thải bằng hình thức đốt kết hợp với bãi chôn lấp và 7 cơ sở xử lý bằng hình thức bãi chôn lấp. Công tác thu gom chất thải sinh hoạt tại khu vực đô thị được thực hiện bởi các đơn vị vệ sinh môi trường đóng trên địa bàn; thu gom, xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn được thực hiện thông qua các tổ tự quản về BVMT.
Để công tác BVMT nói chung và công tác quản lý chất thải sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, rà soát các mô hình BVMT hiện có, nhân rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xây dựng các mô hình mới, chú trọng lồng ghép mô hình phát triển kinh tế và BVMT. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ BVMT khác với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế,
Bên cạnh đó, khuyến khích các chương trình, dự án thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ tiên tiến, kiên quyết không đưa vào vận hành, khai thác các công trình chưa đáp ứng các yêu cầu về BVMT nhất là đối với các dự án thu gom xử lý chất thải sinh hoạt. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường các cấp; đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT; bố trí và quản lý sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đúng mục đích; đa dạng hóa các nguồn đầu tư; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức và hành vi thu gom, xử lý rác thải. phổ biến pháp luật về BVMT một cách thường xuyên có hiệu quả, bằng nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tới toàn thể công đồng dân cư, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của toàn cộng đồng ngày càng được nâng cao.