Tài nguyên

Điện Biên: Giảm 30.430ha các dự án trồng mắc ca

Hoàng Châu 19/07/2023 - 14:51

(TN&MT) - Do các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên chậm tiến độ so với cam kết của chủ đầu tư, mới đây (7/2023), UBND tỉnh Điện Biên đã quyết định giảm 30.430ha quy mô dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn toàn tỉnh.

Để từng bước tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đất đai, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư dự án mắc ca tại Điện Biên, từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Điện Biên đã đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các khu vực có dự án trồng mắc ca trong thời gian sớm nhất. Đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cam kết đảm bảo tiến độ thực hiện dự án trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, quá thời hạn mà nhà đầu tư vẫn không thực hiện đúng cam kết, mới đây UBND tỉnh Điện Biên đã quyết định giảm quy mô dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh tổ chức chiều 12/7 đã thống nhất điều chỉnh giảm 30.430ha thuộc 8/13 dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn toàn tỉnh.

ndo-tr-img-9507-3736-5998.jpg
Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Đến hết quý II năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án trồng cây mắc ca được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 85.814ha. Hiện nay có 5/13 dự án được các nhà đầu tư phê duyệt dự án đầu tư; 2/13 dự án hoàn thành lập dự án đầu tư và tổ chức lấy ý kiến tham gia thẩm định của các sở ngành liên quan và chính quyền các địa phương nơi thực hiện dự án. Đến nay, các dự án đã đo đạc, quy chủ đất đai được 23.103ha, đạt 27% so với tổng diện tích phải đo đạc; tổ chức trồng được 4.871,85ha cây mắc ca, đạt 15% so với tiến độ phê duyệt năm 2023.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, tiến độ triển khai thực hiện dự án trồng cây mắc ca của các nhà đầu tư rất chậm. Hiện tại, đang mùa trồng rừng song chỉ có 7/13 dự án thực hiện công tác chuẩn bị hiện trường, cây giống để trồng (trong đó 4 dự án đang thực hiện trồng); 5/13 dự án chưa triển khai. Hầu hết nhà đầu tư chưa tích cực, nghiêm túc trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án, làm căn cứ, cơ sở pháp lý cho việc triển khai các bước tiếp theo, đặc biệt là các thủ tục về đất đai.; và các vấn đề liên quan đến chất lượng cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình triển khai dự án...

Thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương và các nhà đầu tư cơ bản thống nhất với tổng hợp đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị điều chỉnh giảm quy mô các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất điều chỉnh giảm quy mô các dự án theo 2 phương án. Phương án 1, điều chỉnh giảm 30.430ha thuộc 8/13 dự án trồng cây mắc ca, trong đó: Diện tích Nhà nước cho thuê giảm 18.397ha; diện tích liên kết với người dân giảm 12.030ha. Tổng diện tích sau khi điều chỉnh giảm quy mô còn 57.438ha; trong đó, diện tích Nhà nước cho thuê là 38.862ha; liên kết với người dân là 18.575ha. Phương án 2, do các dự án trồng mắc ca đều có hệ số sử dụng đất khoảng 60 – 65% nên Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giảm quy mô phần diện tích thực trồng. Phương án này bao gồm diện tích đã giảm quy mô 8 dự án tại phương án 1 và tiếp tục đề xuất giảm quy mô diện tích 5 dự án còn lại. Tổng diện tích sau khi điều chỉnh giảm quy mô còn 41.826ha; trong đó, diện tích Nhà nước cho thuê là 27.751ha, liên kết với người dân 14.076ha.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến khẳng định: Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng mắc ca thống nhất thực hiện nghiêm túc Thông báo số 611-TB/TU ngày 11/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc xem xét giảm quy mô đối với các dự án chậm tiến độ so với cam kết của nhà đầu tư. Ban Chỉ đạo thống nhất xem xét điều chỉnh quy mô các dự án đầu tư trồng cây mắc ca thành 2 đợt: Đợt 1, xem xét điều chỉnh giảm 30.430ha đối với 8/13 dự án đầu tư trồng mắc ca theo đề xuất phương án 1 của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đợt 2, Ban Chỉ đạo xem xét điều chỉnh quy mô vào cuối tháng 11/2023. Ban Chỉ đạo đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố và các nhà đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về việc điều chỉnh giảm quy mô các dự án đợt 1 chậm nhất ngày 20/7.

8-nongnghiep-373-1-.jpg
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên kiểm tra tiến độ sinh trưởng cây mắc ca của Hợp tác xã mắc ca Hội Cựu chiến binh Mường Ảng

Về tiến độ thực hiện các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn, được biết, kể từ đầu năm 2022, sau nhiều cuộc họp như trên, tiến độ triển khai các phần việc của các dự án, như đo đạc, quy chủ đất đai và tiến độ trồng mới cây mắc ca đều không chuyển biến nhiều.

Điều đáng nói, ngoài tiến độ chậm thì một số nhà đầu tư có biểu hiện thờ ơ, không nhiệt tình cùng chính quyền cơ sở giải quyết vướng mắc; có nhà đầu tư phó mặc khâu trồng cây, chăm sóc ban đầu cho người dân trong khi mắc ca là cây trồng mới lại đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc đặc thù.

Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ phản ánh: Trên địa bàn huyện có hai dự án gồm Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ do Công ty cổ phần Him Lam mắc ca Điện Biên và Dự án trồng thâm canh cây mắc ca do Công ty cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên thực hiện. Tổng diện tích quy hoạch trồng mắc ca cho hai dự án này lên đến 15.855ha.

Đồng hành cùng nhà đầu tư triển khai dự án, ngay khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã khẩn trương vào cuộc, thành lập Ban chỉ đạo huyện, thành lập bốn tổ giúp việc Ban chỉ đạo; chỉ đạo thành lập 121 tổ dân vận cơ sở trực tiếp họp, tuyên truyền đến người dân về tương lai, hiệu quả cây mắc ca và cơ hội việc làm mà các dự án mắc ca đem lại.

Song, đáp lại sự vào cuộc trách nhiệm của địa phương thì nhà đầu tư lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm. “Lãnh đạo huyện gọi điện trao đổi trực tiếp, phát giấy mời nhà đầu tư nhằm cùng thống nhất cách giải quyết thì nhà đầu tư không nghe, giấy mời nhận được không hồi đáp. Điều này khiến công tác tuyên truyền của địa phương khó càng thêm khó, người dân thì mất niềm tin”, ông Lê Khánh Hòa nhấn mạnh.

Với Mường Ảng - một trong những huyện đã chủ động triển khai hầu hết các phần việc liên quan thủ tục đất đai, tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với các dự án trồng mắc ca, nhưng tiến độ dự án tại Mường Ảng vẫn chậm và bắt đầu nảy sinh một số vấn đề từ phía nhà đầu tư.

Dẫn chứng ý kiến này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng, nói rằng: Trong tổng diện tích quy hoạch trồng mắc ca tại Mường Ảng, huyện đã bố trí kinh phí đo đạc, quy chủ trên 1.800ha để cho doanh nghiệp trồng mắc ca theo hình thức thuê đất, nhưng năm lần bảy lượt lãnh đạo huyện gọi điện, làm công văn mời mà doanh nghiệp không về.

Dù UBND tỉnh Điện Biên đã nhiều lần họp bàn thẳng thắn, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án phát triển cây mắc ca trên địa bàn, nhưng tiến độ thực hiện các dự án vẫn không chuyển biến nhiều, nhiều đầu việc “giậm chân” tại chỗ. Thực trạng đó đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân vùng dự án và kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Giảm 30.430ha các dự án trồng mắc ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO