Xã hội

Phát triển vùng trồng cây mắc ca tại Tuần Giáo (Điện Biên)

Hoàng Châu 13/06/2024 - 15:46

(TN&MT) - Huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên có lợi thế về khí hậu và đất đai để phát triển trồng cây Mắc Ca. Huyện lựa chọn mắc-ca là cây chủ lực bởi các lợi thế, giá trị kinh tế vượt trội so các loại cây trồng khác. Hiện nay, gần 50% dân số làm nông nghiệp trên địa bàn huyện Tuần Giáo trồng cây mắc ca.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 7.200 ha trồng cây mắc ca, tính riêng trên địa bàn huyện Tuần Giáo trồng được trên 2.500 ha, chiếm 35% diện tích toàn tỉnh. Huyện Tuần Giáo đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có trên 8.000ha mắc ca, bình quân mỗi hộ dân sở hữu 100 cây mắc ca, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động và đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cho biết: Phát triển cây Mắc ca là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2023 huyện Tuần Giáo đã trồng mới được gần 1.700 cây mắc ca với sự tham gia của 2.800 hộ dân.

z5470059972246_ca5cec1746c87fb42b888bd7f80232a6.jpg
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên trồng cây mắc ca trong Ngày hội trồng cây mắc ca huyện Tuần Giáo năm 2024.

Diện tích cây mắc ca đã trồng đang sinh trường và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt 90%. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nghiệp của huyện, tạo hướng đi rõ ràng trong việc xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân trong địa bàn.

Riêng trong năm 2024, huyện Tuần Giáo đã tuyên truyền, vận động được 5.500 hộ gia đình đăng ký trồng mắc ca, nâng tổng số hộ tham gia trồng mắc ca trong địa bàn toàn huyện lên lên gần 8.000 hộ, chiếm gần 50% dân số làm nông nghiệp trên địa bàn. Dự kiến đến hết tháng 6/2024, Tuần Giáo sẽ có trên 6.000 ha trồng cây mắc ca, trở thành huyện có diện tích trồng, phát triển cây mắc ca lớn nhất cả nước.

z5470059759956_899157b6da892a277dba9bb643a04516.jpg
Trồng cây mắc ca đã trở thành phong trào lan tỏa khắp các địa phương trong huyện Tuần Giáo.

Ông Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định: Mắc ca được ưa chuộng tại 22 quốc gia trên toàn thế giới, đây là cơ hội to lớn cho việc phát triển ngành mắc ca tại tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Tuần Giáo nói riêng. Để đưa mắc ca trở thành thương hiệu uy tín, chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế, cần xây dựng mo hình quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “mắc ca Điện Biên”.

Ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cũng cho biết thêm: Việc trồng và phát triển cây mắc ca được xem là chủ trương lớn của huyện mang tính chất đột phát trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Do đó chính quyền địa phương sẽ làm tất cả các giải pháp, vận dụng mọi chế độ chính sách để người dân nhận được những nguồn hỗ trợ tốt nhất, thời gian hỗ trợ dài nhát. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, các thôn bản tập trung thực hiện trong việc trồng và phát triển cây mắc ca.

z5470059757134_ac63bd737f27c6e12a519b8e8832d102.jpg
Huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên là nơi có lợi thế về khí hậu và đất đai để phát triển trồng cây Mắc Ca.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững trồng cây Mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo, cần áp dụng mô hình liên kết sản xuất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Đồng thời, trồng cây mắc ca gắn với mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần bảo vệ môi trường và đủ điều kiện tham gia thị trường tín chỉ carbon.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển vùng trồng cây mắc ca tại Tuần Giáo (Điện Biên)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO