Trước tình trạng mưa lũ kéo theo đất, đá vùi lấp ruộng lúa của người dân bản Na Hý, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, chúng tôi được ông Vì Văn Ten, Trưởng bản Na Hý, cho biết: Trước đây, mưa lớn cũng chỉ tràn qua ruộng, người dân còn khắc phục để sản xuất được. Thế nhưng, kể từ khi xây dựng công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu, đất, đá từ việc đào đường ống áp lực xuống cho thủy điện đã chảy xuống phía suối Huổi Púng và Huổi Co Lót, lấp ao, lấp ruộng của dân, người dân không thể khắc phục sản xuất nên nhiều diện tích đã bỏ hoang.
Theo chân trưởng bản Na Hý, chúng tôi đi dọc theo dòng suối Huổi Co Lót để đến với khu vực bị vùi lấp sau trận mưa lũ. Nói là dòng suối nhưng nước suối sau khi lũ rút cũng chỉ còn ngang đùi. Được biết, trước đây, vực suối sâu hơn 2 mét, lũ có chảy thì nước cũng chỉ mấp mé tới ruộng hoặc tràn qua. Nhưng vài năm trở lại đây, kể từ khi xây dựng công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu, dòng suối đã bị đất, đá bồi lấp, giờ đây không khác gì một con kênh nhỏ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến toàn bộ đất, đá theo lũ chảy xuống đều tràn vào ruộng.
Vượt dòng suối Huổi Co Lót, chúng tôi đến được khu vực đầu nguồn suối Huổi Púng. Tại đây, chúng tôi phát hiện một dãy núi đã bị xẻ đôi bởi nước từ đường trườn lắp đạt đường ống áp lực, dẫn nước xuống cho hợp phần thủy điện của Dự án Công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu. Theo quan sát của PV, đất, đá từ đây chảy xuống chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc ao, ruộng của các hộ dân bản Na Hý sản xuất tại khu vực này bị vùi lấp, bỏ hoang. Không biết vô tình hay cố ý, tại địa điểm này, chúng tôi phát hiện, rãnh nước chạy thẳng từ trên đỉnh đồi xuống lại bị chặn bởi một hòn đá to, nhằm ngăn nước phi thẳng xuống phía bản Co Pục và lái nước sang phía đầu nguồn của suối Huổi Púng. Đó chính là nguyên nhân ngọn đồi khu vực này bị xẻ đôi, đất, đá từ đó mà chảy xuống.
Anh Quàng Văn Tuấn, người dân đội 10, bản Na Hý, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, cho biết: Gia đình tôi có 3.000m2 ao cá và khoảng 3.000 m2 ruộng tại khu vực này. Mấy năm trước, mỗi vụ, gia đình cũng thu được khoảng 30 bao thóc và trên 15 triệu tiền cá. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, kể từ khi xây dựng công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu, đất, đá tràn vào ao, vào ruộng, gia đình lại không điều kiện nên không thể khắc phục để sản xuất lại. Từ đó, gia đình bỏ hoang cả ao và ruộng. Chúng tôi cũng đã báo sự việc lên chính quyền xã nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết.
Trưởng bản Vì Văn Tiên, cho biết thêm: Dọc khu vực này có khoảng hơn 2ha ruộng của người dân tự khai hoang và gần 2,5ha ao cá của dân bản. Việc lòng suối bị bồi lấp, cao hơn ruộng sẽ khiến đất, đá tiếp tục vùi lấp ruộng, ao của dân. Đợt mưa lũ vừa rồi còn thiệt hại ít chứ không ai biết trước mưa lũ có còn kéo theo đất, đá có tiếp tục vùi lấp ruộng, ao của dân bản hay không?
Được biết, Công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu có tổng mức đầu tư 291.58 tỷ đồng. Dự án gồm 2 hợp phần lớn: Hợp phần dự án thủy lợi và hợp phần nhà máy thủy điện. Mục tiêu chung của Dự án nhằm cấp nước tưới tự chảy cho 370ha lúa 2 vụ, thuộc 2 xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) và 500ha hoa mầu, cây công nghiệp của xã Thanh Nưa (nay là 2 xã Hua Thanh và Thanh Nưa) huyện Điện Biên. Ngoài ra, còn cung cấp nước sinh hoạt cho 100.000 người dân vùng lòng chảo Điện Biên, kết hợp phát điện công suất lắp máy N1m = 3MW.
Vẫn biết rằng mục tiêu của Công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Thế nhưng, cũng không thể để việc xây dựng công trình lại gây ảnh hưởng tới lợi ích người dân. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Điện Biên cần có sự chỉ đạo làm rõ vụ việc, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người dân.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.