Điện Biên: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu

Hoàng Châu| 24/03/2020 15:40

(TN&MT) - Ðể ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Ðiện Biên đã chủ động khảo sát thực tế sản xuất, khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả, đất nương sang trồng loại cây khác. Nhờ đó, nông dân Ðiện Biên tránh được rủi ro do thiên tai, dịch hại; năng suất cây trồng bảo đảm, đời sống nông dân từng bước được nâng lên.

Trao đổi về sự cần thiết chuyển đổi cây trồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðiện Biên Bùi Minh Hải cho biết: Thực tế cho thấy, do độ dốc lớn nên đất nương trồng lúa hoặc trồng cây sắn, ngô thường bị rửa trôi chất đất, dẫn tới bạc màu khiến cây trồng cho năng suất thấp. Chính vì thế, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao thường phá rừng để có đất làm nương luân canh, làm đất rừng ngày càng bị thu hẹp.

Tình trạng phá rừng làm nương tác động lớn đến khí hậu dễ thấy nhất ở Ðiện Biên là hiện tượng mưa lũ bất thường, lũ ống, lũ quét xảy ra nhiều ở vùng núi cao và tình trạng hạn hán cũng rõ rệt, khắc nghiệt hơn. Bên cạnh đó là tình trạng nước về khu vực hạ lưu ít hơn nên một số kênh mương ở các huyện: Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông và ngay cả một số xã khu vực lòng chảo Mường Thanh khô hạn, không thể dẫn nước về. Ngay như vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh Ðiện Biên có hơn 400ha lúa nước đang thiếu nước nghiêm trọng, chủ yếu tại các huyện Ðiện Biên, huyện Mường Chà, huyện Nậm Pồ và huyện Tủa Chùa.

Trước những ảnh hưởng hàng năm của biến đổi khi hậu, từ năm 2017, UBND tỉnh Ðiện Biên đã ban hành Quyết định 610/QÐ-UBND xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, tỉnh xác định chuyển đổi hơn 2.461ha đất nương, đất ruộng một vụ, đất cây màu sang trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và cây thức ăn gia súc.

Bà Nguyễn Thị Lưu, bản Bó, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) chăm sóc vườn rau.

Sở NN và PTNT được UBND tỉnh Ðiện Biên giao chủ trì, hướng dẫn các huyện chuyển đổi, sao cho đem lại hiệu quả cao hơn, giúp nhân dân ổn định cuộc sống và chủ động ứng phó các hiện tượng thiên nhiên cực đoan. Tiên phong trong chuyển đổi đất lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu, là các hộ dân bản Bó, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa). Do các chân ruộng cao lại ở cuối nguồn cho nên nhiều năm liền, công trình thủy lợi bản Bó không thể cấp đủ nước để trồng lúa cho dù người dân trong bản đã chủ động khắc phục bằng cách làm phai tạm dẫn nước từ khe suối về, nhưng nguồn nước không đều khiến lúa cấy trên các thửa ruộng ấy thường cho năng suất, sản lượng thấp.

Ðược Phòng NN và PTNT huyện hướng dẫn, bắt đầu từ năm 2017 có 19 gia đình ở bản Bó đăng ký chuyển đổi hơn 5 ha đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu. Mô hình này cho bà con mức thu nhập ổn định từ 25 đến 30 triệu đồng/hộ/năm. Nếu so với trồng lúa thì cao hơn gần bốn lần thu nhập. Là một trong 19 hộ dân ở bản Bó đã chuyển đổi cây trồng, bà Nguyễn Thị Lưu cho biết: Gia đình đã chuyển 1.000m2 đất trồng lúa sang các loại cây: Mướp, cà pháo và các loại rau màu. Ðược cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi trồng rau theo phương pháp an toàn sinh học cho nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.

Mô hình trồng cà chua trên diện tích đất lúa kém hiệu quả ở xã Noong Luống, huyện Điện Biên (Điện Biên).

Ở huyện Ðiện Biên, huyện thuần nông chuyên sản xuất lúa, mấy năm gần đây nông dân các xã vùng lòng chảo: Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống, Thanh Xương, Pom Lót, Noong Hẹt… cũng chủ động chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang rau màu, các loại cây ăn quả cho nguồn thu cao hơn trồng lúa và góp phần cải tạo dinh dưỡng cho đất.

Ông Nguyễn Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Mấy năm nay người dân trong xã đã chủ động chuyển đổi gần chục héc-ta đất thiếu nước sang trồng rau cung cấp cho thị trường TP Ðiện Biên Phủ và các xã lân cận. Trồng rau mang lại cho người dân thu nhập cao hơn từ 15 đến 20 triệu đồng/năm/hộ. Toàn xã hiện có hơn 10 ha rau màu song thời gian tới, UBND xã Pom Lót tiếp tục khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện Ðiện Biên cho biết: Huyện luôn khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả, đất cây trồng, cây kinh tế thấp sang các loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao với điều kiện, việc chuyển đổi phải có kế hoạch, phù hợp thực tế địa phương. Do vậy, hằng năm UBND huyện yêu cầu các xã quy hoạch chi tiết về: Diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng... trên cơ sở đó huyện có kế hoạch xây dựng các mô hình mẫu hướng dẫn nhân dân triển khai và đồng thời hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật, tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt hoặc chuyển đổi nhưng không áp dụng kỹ thuật sản xuất thì hiệu quả không cao lại làm ảnh hưởng kinh tế, tâm tư của nhân dân. Theo cách làm đó, hiện nay toàn huyện Ðiện Biên có gần 500 ha rau màu, cây ăn quả được chuyển đổi đem lại hiệu quả rõ rệt, cải thiện đời sống người nông dân.

Ðánh giá hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất nương, đất lúa một vụ, Giám đốc Sở NN và PTNT Ðiện Biên Bùi Minh Hải cho biết: Với sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, năm qua, người dân trong tỉnh đã chuyển đổi 635,99 ha đất nương, đất trồng lúa một vụ và đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả (cây cà-phê) sang trồng các loại cây ăn quả. Trong đó, có hơn 353 ha đất được chuyển sang trồng cây ăn quả; 215 ha chuyển sang trồng cây thức ăn gia súc; 66,54 ha chuyển sang trồng dong riềng, cây dược liệu.

Nông dân bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng chăm sóc vườn cây ăn quả.

Riêng huyện Mường Ảng, nông dân các xã: Ẳng Cang, Ẳng Nưa, Búng Lao, Mường Ðăng, Ẳng Tở đã chủ động chuyển 23 ha đất trồng cây cà-phê kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo theo hình thức liên kết chuỗi đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Khi chuyển đổi đất kém hiệu quả sang cây trồng khác, nông dân được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, được hỗ trợ cây giống chất lượng tốt và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên bà con rất phấn khởi, tin tưởng, nhờ đó diện tích chuyển đổi mỗi năm đều tăng (năm 2019 tăng 79,71 ha so với năm 2018).

Phấn đấu đạt mục tiêu UBND tỉnh Ðiện Biên đề ra là chuyển đổi cây trồng trên diện tích 711,5 ha trong năm 2020, ngoài giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động đăng ký chuyển đổi, ông Bùi Minh Hải cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh còn chủ động kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác tham gia cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích liên kết giữa nông dân với nhà khoa học để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO