Điện Biên: Cấp thiết di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

24/06/2019 18:44

(TN&MT) - Vài trận mưa nhỏ của đầu mùa mưa năm nay đã khiến phần nền đất tại nhiều ngôi nhà thuộc bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên sụt lún xuống cả gang tay. Nhiều gia đình đã đổ đất vào phần đất lún sụt nhằm ngăn vết nứt không lan rộng nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. 70 hộ dân nơi đây đang sống trong thấp thỏm lo sợ và mong muốn được di dời đến nơi an toàn.

Nhiều người dân bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông thấp thỏm lo sợ trước nguy cơ sạt lở.
Nhiều người dân bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông thấp thỏm lo sợ trước nguy cơ sạt lở.

Vết nứt tại bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, được phát hiện từ 7-8 năm trước, nhưng 2 năm trở lại đây thì càng nghiêm trọng hơn. Biểu hiện rõ nhất là các căn nhà đều có nhiều vết nứt rộng, các phần tường bị vỡ toác, phần chân móng còn có những vết hở rộng hơn 20cm, sâu đến cả mét. Nhiều căn nhà đã bị nghiêng đi đến vài độ. 70 hộ dân ở khu vực này luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, lo ngôi nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Nhiều gia đình không dám ở nhà, không dám sinh hoạt tại nhà, thậm chí nhiều nhà thường xuyên đóng cửa nhà. Họ rất muốn di dời nhà đi nơi khác nhưng lại chưa có chỗ nào ổn định.

Tại báo cáo số 83/BC-STNMT ngày 24/4/2019 về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ “Điều tra hiện trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sụt lún, trượt lở khu vực trung tâm xã Tìa Dình và đề xuất biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại” của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên cho thấy: Khối trượt có quy mô diện tích hơn 12ha; chiều dài khối trượt 760m, chiều cao khối trượt 150m, đỉnh khối trượt rộng 310m, cung trượt rộng nhất 420m. Đây là khối trượt có quy mô được xếp vào loại đặc biệt lớn. Khối trượt thuộc kiểu trượt tịnh tiến với sự xuất hiện 3 cung trượt, trong đó khối trượt chính bao gồm toàn bộ khối trượt và 2 cung trượt nhỏ nằm trong nội bộ khối trượt.

Điều đặc biệt là tại chân khối trượt hiện nay, mặc dù mùa khô nhưng vẫn có nước xuất lộ ở dạng thấm rỉ. Điều này cho thấy mặt trượt của khối trượt là nơi tích đọng nước mặt vào mùa mưa, là nơi hoạt động nước ngầm vào mùa khô. Về mặt địa hình, mặt trượt chính có sự liên thông với khe suối phía Tây, do đó khi mưa nước mặt sẽ dễ dàng thâm nhập vào mặt trượt, có thể sẽ thúc đẩy quá trình trượt diễn ra nhanh hơn. Đợt mưa đầu tháng 3/2019, trong nội bộ khối trượt đã xuất hiện thêm một số khe nứt, sụt lún, cho thấy khối trượt vẫn đang thời kỳ hoạt động.

Cần sớm di dời người dân đến nơi an toàn.
Cần sớm di dời người dân đến nơi an toàn.

Ông Tráng A Dia, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông cho biết: với sự phức tạp của khối trượt, khi trời mưa to, nguy cơ tiếp tục xảy ra trượt lún, sạt lở là rất cao, gây mất an toàn cho người và tài sản ở khu vực này. Tâm tư nguyện vọng của bà con và Đảng ủy, chính quyền địa phương là mong các cấp có thẩm quyền sớm có biện pháp, cho chủ trương di chuyển toàn bộ các hộ dân và trụ sở UBND xã sang chỗ khác để yên tâm công tác, ổn định đời sống.

Ngoài ra, cách khối trượt chính khoảng 250 mét về phía Đông Nam đã xuất hiện thêm một khối trượt khác có quy mô khoảng 0,2ha. Khối trượt này thuộc kiểu trượt tịnh tiến với sự xuất hiện của 3 cung trượt dạng bậc, tại mỗi cung trượt mức độ sụt lún từ 1,3 đến 2m. Hiện tại, tại nền nhà dân cạnh đó đã xuất hiện 2 vết nứt nhỏ dạng vòng cung phù hợp với 3 cung trượt trong khối trượt hiện tại.

ảnh


Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đưa ra 2 địa điểm trong phương án di dời trụ sở xã, trường học và các hộ dân ra khỏi khối trượt. Một là khu đất ở vị trí “yên ngựa” đối diện với Trạm y tế mới, thuộc tiểu khu 785, 787 ở các khoảnh 8 và 5 với tổng diện tích hơn 14ha, cách trung tâm xã (cũ) khoảng 1km. Địa điểm thứ hai là khu vực trong tiểu khu 795 thuộc khoảnh 2 với tổng diện tích hơn 10ha, cách trung tâm xã (cũ) 3km. Tuy nhiên, các phương án di chuyển này cũng như giải pháp xử lý có tính chất an toàn, lâu dài thì còn chờ quyết định của cấp trên xem xét, thẩm định.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra trong mùa mưa lũ năm nay, việc đưa ra một phương án di dời khẩn cấp các hộ dân, các cơ quan công sở tại xã Tìa Dình ra khỏi khu vực sạt trượt là điều các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên cần thực hiện ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Cấp thiết di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO