Điện Biên: Cải thiện thói quen vệ sinh cá nhân, môi trường, nước dùng sinh hoạt cho đồng bào dân tộc miền núi

18/07/2019 16:47

(TN&MT) - Vừa qua, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án nhằm cải thiện đời sống văn hóa, sức khỏe cộng đồng đối với đồng bào vùng núi
Đề án nhằm cải thiện đời sống văn hóa, sức khỏe cộng đồng đối với đồng bào vùng núi

Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn được coi là một trong những giải pháp nhằm cải thiện đời sống văn hóa, sức khỏe cộng đồng đối với đồng bào vùng núi Điện Biên. Phạm vi triển khai tại 100% xã nông thôn của 8 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên những xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn…

Trong bản Kế hoạch này của UBND tỉnh Điện Biên chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành viên ủy ban, các sở ngành có liên quan trong Đề án. Đặc biệt đối với cấp ủy, chính quyền địa phương phải tổ chức được các buổi tập huấn về phương pháp và kỹ năng truyền thông, tuyên truyền thay đổi hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn cho các cán bộ y tế và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể có liên quan.

Tuy nhiên, để cải thiện được thói quen, nếp sống, hành vi của đại bộ phận đồng bào các dân tộc miền núi nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng thì đó không phải là câu chuyện của một sớm, một chiều. Nhận định về vấn đề này, ông Mùa A Kềnh, Phó chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: Muốn cải thiện được nếp sống vệ sinh môi trường, ý thức vệ sinh cá nhân, sử dụng nguồn nước nông thôn có hiệu quả thì việc làm này phải được xây dựng hình thành từ gia đình, cộng đồng của các đồng bào dân tộc. Giáo dục ý thức cho trẻ em, người lớn tuổi trong gia đình phải làm mẫu, sống có ý thức thì mới mong cộng đồng thay đổi.

Các tập tục, thói quen lạc hậu như: nuôi trâu, bò, lợn dưới gầm sàn người dân đã dần bỏ. Song tập thục chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông vẫn chưa triệt để, dẫn đến môi trường sống, thậm chí nguồn nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm…

Người Thái xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên đã có bể chứa nước sinh hoạt
Đề án triển khai tại 100% xã nông thôn của 8 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Muốn làm thay đổi được nếp sống, thói quen sinh hoạt của đồng bào thì cần nêu cao vai trò của truyền thông, tuyên truyền, một mặt phản ánh những nếp sống văn hóa, truyền thống lạc hậu của đồng bào như: nuôi trâu dưới gầm sàn, tập tục để người chết trong nhà 5,6 ngày… làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của cộng đồng dân cư và bản thân những gia đình thực hiện những lễ nghi đó. Mặt khác, đưa các mô hình xây dựng nếp sống văn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn môi trường gia đình, cộng đồng và sử dụng nước sinh hoạt nông thôn tiết kiệm, hiệu quả để người dân biết và học tập và phải kiên trì theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Được biết, mục tiêu Đề án này nhằm tăng cường triển khai có hiệu quả các hoạt động thông tin, truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn góp phần củng cố, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân tỉnh Điện Biên về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn nhằm phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Cải thiện thói quen vệ sinh cá nhân, môi trường, nước dùng sinh hoạt cho đồng bào dân tộc miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO