Khoáng sản

Điện Biên an toàn lao động trong khai thác khoáng sản

Hoàng Châu 14/06/2023 - 11:32

(TN&MT) - Tỉnh Điện Biên có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng với nhiều mỏ khai thác, chế biến khoáng sản đang hoạt động. Công tác đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) trong khai thác, chế biến khoáng sản luôn là vấn đề được quan tâm đặt lên hàng đầu đối với mỗi đơn vị, doanh nghiệp và chính quyền địa phương

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm qua, tỉnh Điện Biện xảy ra 46 vụ tại nạn lao động (TNLĐ) trong đó: Khu vực có quan hệ lao động xảy ra 04 vụ, làm 02 người chết, 02 người bị thương nặng. Khu vực không có quan hệ lao động xảy ra 42 vụ TNLĐ làm 08 người chết, bị thương nặng 05 người. Những địa phương có nhiều vụ TNLĐ đối với người lao động gồm các huyện: Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng. Tỷ lệ các vụ TNLĐ xảy ra cao nhất thuộc các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, thủy điện.

a2.jpg
Mỏ đá của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Minh Quý tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên

Nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước về bảo đảm ATLĐ, hằng năm các cấp, ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATLĐ tại các doanh nghiệp. Qua kiểm tra với hoạt động khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chưa đặt sàn đỡ có bề rộng tối thiểu là 1m khi tiến hành các thao tác thủ công trên sườn dốc có độ cao trên 3m; chưa thực hiện phương pháp cắt tầng theo hồ sơ thiết kế, chưa đặt biển báo nguy hiểm và rào ngăn tại khu vực nguy hiểm, chưa lập biện pháp và tổ chức cậy bẩy đá treo; chưa lập biển báo, chỉ dẫn trên đường vận tải bằng ô tô; chưa lập biện pháp an toàn cho người và thiết bị khi tiến hành khoan tại những nơi địa hình cheo leo; chưa có biện pháp an toàn khi xử lý mìn câm…

Bên cạnh đó, tại một số doanh nghiệp người sử dụng lao động, thiếu quan tâm đến công tác ATLĐ trong khai thác khoáng sản, khi đội ngũ công nhân chủ yếu xuất thân là lao động phổ thông, không qua đào tạo dẫn đến làm tăng nguy cơ xảy ra TNLĐ.

a1.jpg
Người lao động vẫn làm việc thủ công, thiếu trang bị bảo hộ lao động.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Khai thác khoáng sản là ngành lao động đặc thù, được xếp vào loại lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt là hoạt động sản xuất ở các mỏ đá luôn tiềm ẩn nguy cơ rất cao về mất an toàn lao động. Xác định điều này, tỉnh Điện Biên luôn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy định về an toàn lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhằm hạn chế các vụ việc gây mất ATLĐ dẫn đến các tai nạn gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho người lao động trong khai thác khoáng sản, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cả doanh nghiệp và người lao động trong việc chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản, về bảo đảm ATLĐ. Trong quá trình khai thác khoáng sản các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác phải tuân thủ quy trình kỹ thuật có quy định quản lý giám sát; có hồ sơ thiết kế, quy trình khai thác; sử dụng thuốc nổ và quy định ATLĐ.

a3.jpg
Trạm xay đá của Cty CP Đầu tư Thương mại Hưng Long, tỉnh Điện Biên

Cùng với đó, đình chỉ khai thác đối với những mỏ hoạt động không phép, trái phép, ngừng cấp giấy phép khai thác với các mỏ khoáng sản không bảo đảm điều kiện ATLÐ. Kịp thời đóng cửa những mỏ có nguy cơ mất ATLĐ đối với người và thiết bị. Đồng thời chỉ cho phép tiếp tục khai thác sau khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm ATLĐ trong hoạt động khai thác khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên an toàn lao động trong khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO