Điểm sáng trong công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Thừa Thiên Huế - Bài 2: Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng
(TN&MT) - Để tiếp tục bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), thì việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân cũng như lực lượng chức năng là vô cùng quan trọng, Thừa Thiên Huế cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Xoay quanh nội dung này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
PV: Xin ông cho biết, công tác bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả như thế nào ?
Ông Hoàng Hải Minh:
Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã rất tích cực trong công tác bảo vệ ĐVHD, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương luôn thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành có liên quan về bảo vệ ĐVHD.
Có thể nói, việc xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm về bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh là một hồi chuông cảnh báo đối với các đối tượng đã và đang thực hiện hành vi vi phạm về bảo vệ ĐVHD, đây là một trong những kết quả đạt được nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm trong tương lai về bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh. Công tác này được thực hiện tốt, kết hợp với công tác truyền thông cộng đồng, sự chung tay giữa các lực lượng, đơn vị và các cơ quan chức năng đã hỗ trợ rất nhiều đối với công tác bảo tồn thiên nhiên tại địa phương.
Theo đánh giá, hiện ý thức của người dân đã tăng cao, họ đã nhận thấy hành vi mua, bán, tiêu thụ ĐVHD là vi phạm pháp luật nên giảm dần nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm này; bên cạnh đó, nhiều người dân đã cùng chung tay phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương để bảo vệ ĐVHD, một trong những hành động đó là báo cáo thông tin vi phạm cho lực lượng kiểm lâm hoặc kênh thông tin Hue-S, đặc biệt tự nguyện giao nộp ĐVHD để cứu hộ, thả về tự nhiên.
Khoảng 3 năm qua, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận và cứu hộ thành công 133 cá thể ĐVHD, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như Tê tê Java, Voọc chà vá chân nâu...; riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận và cứu hộ thành công 90 cá thể ĐVHD (không tính các cá thể chim trời).
Đặc biệt, thông qua đường dây nóng cứu hộ ĐVHD của tỉnh (08.4477.3030), các đơn vị kiểm lâm đã tiếp nhận được nhiều cá thể động vật do người dân tự nguyện giao nộp; đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác truyền thông của lực lượng kiểm lâm, cũng như ý thức của người dân trên địa bàn tỉnh về bảo vệ ĐVHD ngày được nâng cao.
Video về hoạt động thả ĐVHD về môi trường tự nhiên tại Thừa Thiên Huế mà Báo TN&MT ghi lại được:
PV: Việc bảo vệ ĐVHD là vô cùng khó khăn. Vậy những khó khăn, hạn chế của tỉnh đang gặp phải là gì, thưa ông?
Ông Hoàng Hải Minh:
Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm về ĐVHD, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, hạn chế.
Cụ thể như, đối tượng vi phạm thường có phương tiện tốt, thiết bị liên lạc hiện đại, hoạt động theo đường dây, thậm chí hình thành tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, khi bị phát hiện sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng mọi giá. Trong khi đó, các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế về cả phương tiện, trang thiết bị và nhân lực. Ngoài ra, khó khăn còn phát sinh trong trường hợp phát hiện, lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Theo đó, cần tiến hành giám định, định giá ĐVHD theo quy định của pháp luật kết hợp việc nuôi, chăm sóc, bảo quản tang vật, trong khi lực lượng kiểm lâm không được đào tạo về thú y, không có cơ sở chuồng trại nuôi, giữ ĐVHD; thủ tục giám định lại khá phức tạp.
Khi phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về điều kiện nuôi nhốt ĐVHD, bảo quản tang vật, chuyên chở động vật đi giám định, lo cứu hộ, chăm sóc, tái thả động vật về tự nhiên...Quá trình bảo quản tang vật gặp không ít khó khăn do tang vật chủ yếu là động vật còn sống, thường bị bệnh tật, ốm yếu do bị bẫy bắt hoặc nuôi nhốt lâu ngày, cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, điều kiện lưu giữ của các cơ quan thực thi pháp luật không đảm bảo, chưa kể việc lưu giữ lâu dài có thể khiến các cá thể bị chết trước khi vụ án được đưa ra xét xử.
Một trong những vấn đề quan trọng đối với công tác bảo vệ ĐVHD tại địa phương là do lối sống, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc săn bẫy động vật để làm thực phẩm. Một phần do người dân sống gần rừng, sống phụ thuộc vào rừng nên việc săn bắt ĐVHD gần như gắn với truyền thống, tập tục của họ; cũng một phần khác do điều kiện kinh tế khó khăn, nên một số bộ phận người dân vào mùa nhàn rỗi thường săn bẫy động vật để kiếm thêm thu nhập…
Từ năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị chủ rừng đã tổ chức rất nhiều đợt tuần tra, truy quét tại rừng, tháo dỡ hơn 9.500 bẫy động vật rừng các loại; phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý 46 vụ vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD, phạt 423,5 triệu đồng, tịch thu 780 cá thể động vật rừng và 20,5 kg sản phẩm động vật rừng. Khởi tố 3 vụ án hình sự tại huyện Nam Đông và A Lưới, xử phạt 16 đối tượng, phạt tù tổng hợp 264 tháng tù giam và 195 tháng tù treo. Ngoài ra, kiểm lâm và cơ quan chức năng trong tỉnh đã tổ chức ký cam kết bảo vệ ĐVHD cho hơn 350 nhà hàng, quán ăn…
PV: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có những giải pháp nào để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, bảo tồn ĐVHD ?
Ông Hoàng Hải Minh:
Bảo vệ ĐVHD là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, khi mà nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng do các hoạt động săn bắt và kinh doanh của con người. Ngoài những việc làm đã và đang có kết quả tốt, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐVHD. Chúng ta cần phải tạo ra những chương trình giáo dục và các hoạt động thông tin, gây quỹ để tăng cường nhận thức cho cộng đồng về việc bảo vệ ĐVHD và môi trường sống của chúng.
Nâng cao năng lực và chuyên môn của cán bộ, nhân viên, theo tôi điều này rất quan trọng để cải thiện hiệu quả công tác bảo vệ ĐVHD. Các tổ chức cần đầu tư hơn vào đào tạo chuyên sâu cho cán bộ và nhân viên, cập nhật kiến thức mới và kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu của công tác bảo vệ ĐVHD trong thời kỳ mới.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin, qua đó giúp đẩy nhanh tiến trình công tác bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy tình nguyện và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ ĐVHD, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến bảo vệ ĐVHD.
Tóm lại, công tác bảo vệ ĐVHD cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tham gia của người dân. Với tỉnh nhà, nhiệm vụ này sẽ góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị, cũng như xây dựng thương hiệu Huế - Thành phố “Xanh” đầu tiên của Việt Nam được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) vinh danh năm 2016. Chỉ khi mà mọi người cùng nhau làm việc, chúng ta mới có thể đảm bảo được sự sống còn của các loài ĐVHD và môi trường sống của chúng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông !
Thừa Thiên Huế được xem là một trong những vùng của Việt Nam giàu về đa dạng sinh học. Rừng xanh nguyên sinh trải dài từ biển tới dãy Trường Sơn hiện đang nằm trong khu vực miền Trung, mà chủ yếu là ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là khu vực rất quan trọng đối với bảo tồn đa dạng sinh học vì nó là nơi trú ngụ của nhiều loài quan trọng và quý hiếm; trong đó có một số loài quan trọng, đặc hữu như: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), Voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Sơn dương (Capricornis milneedwardsii)…