Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, mặc dù, trong Nghị quyết 120/NQ-CP không có cụm từ “thuận thiên” nhưng có những câu tương đồng như không cam thiệp thô bạo tự nhiên hay chọn giải pháp không hối tiếc. Ngày xưa, chúng ta thích kiểm soát thiên nhiên hay trị thiên nhiều hơn, nên cứ chú trọng về mặt công trình mà quên đi những tác động tiêu cực của nó đến hệ sinh thái, các yếu tố xã hội, môi trường, cái lợi mang lại không bù được cái hại phát sinh. Do vậy, việc thay đổi tư duy, cách nghĩ, tiếp cận giải quyết vấn đề đối với vùng ĐBSCL theo hướng dựa vào thiên nhiên để phát triển là phù hợp nhất. Lúc này mình sẽ coi nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên chứ không chỉ là nước ngọt như trước đây nữa.
PV: Theo ông, phát triển “thuận thiên” đã được các tỉnh, thành triển khai thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
PGS.TS. Lê Anh Tuấn: Trong thời gian qua, một số nơi có xem xét vấn đề “thuận thiên” theo Nghị quyết 120, nhưng có một số nơi chưa chú ý lắm, hoặc diễn giải sai thuật ngữ, khái niệm trong Nghị quyết.
Cụ thể, nhiều nơi chưa hiểu lắm về hệ sinh thái, họ coi tài nguyên chỉ là nước, chủ yếu là nước ngọt và phát triển theo dòng chảy của nước ngọt mà chưa thấy được tiềm năng của nước mặn, nước lợ. Trong cách hiểu khái niệm từ “hối tiếc” cũng vậy. Theo họ, nếu không làm công trình thì sẽ hối tiếc chứ không phải làm công trình mới hối tiếc. Đối với việc chủ động sống chung với nước mặn cũng vậy, họ cho rằng, phải làm công trình ngăn mặn mới chủ động ngăn mặn được. Đây là những vấn đề mà một số địa phương chưa xem xét thấu đáo.
Để thích ứng hiệu quả với BĐKH, bao giờ người ta cũng đi tìm những giải pháp mềm trước, sau đó, mới tính đến các công trình, tuy vậy, trong thực tế, đang đi ngược lại.
Bên cạnh đó, các địa phương còn lúng túng trong thực hiện Nghị quyết 120, chưa có thay đổi cụ thể. Đối với vùng đê bao 3 vụ, nông dân muốn chuyển đổi lại để tận dụng mùa lũ nhưng chưa có hướng dẫn. Một số địa phương vùng ven biển họ đã giảm hoặc không sản xuất lúa nữa cho phù hợp với điều kiện hiện nay, nhưng chưa có giải pháp rõ ràng cho vấn đề chuyển đổi.
PV: Vấn đề liên kết vùng là nội dung quan trọng của Nghị quyết 120, vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này tại các tỉnh, thành trong thời gian qua?
PGS.TS. Lê Anh Tuấn: Mục tiêu của việc liên kết là tạo ra sản phẩm có giá trị với sự đóng góp của mỗi tỉnh, thành. Tuy vậy, thực tế cho thấy, các địa phương có họp bàn để liên kết nhưng chưa rõ ràng, còn nặng trên giấy tờ, họp xong mạnh ai nấy làm và theo cách cũ. Theo tôi, việc liên kết này đang giống bỏ khoai, sắn vào cùng một bọc, khi mở ra, mạnh củ nào củ ấy lăn và củ khoai vẫn là củ khoai, củ sắn vẫn là củ sắn.
PV: Để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, ông có đề xuất, kiến nghị gì?
PGS.TS. Lê Anh Tuấn: Theo tôi, phải làm cho mỗi địa phương thấm nhuần từng câu chữ trong nội dung của Nghị quyết 120 khi phê duyệt giải pháp công trình, dự án nào đó phải chứng minh được nó phù hợp với Nghị quyết 120. Ngoài ra, phải có chương trình phát triển tổng thể ĐBSCL, tránh chuyện mạnh ngành nào ngành đó quy hoạch, xảy ra tình trạng giẫm chân nhau.
Bên cạnh đó, trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tích hợp thì các quy hoạch cũ nên xếp lại và các Bộ, ngành, địa phương tạm thời ngưng thực hiện các công trình lớn, bởi vì nếu xây dựng rồi mà vướng mắc với quy hoạch tích hợp, lúc đó sẽ phá vỡ quy hoạch và không có cơ hội khắc phục nữa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!