Ta bắt gặp ở từng ban thờ, góc nhà, bàn tiếp khách… những đĩa hoa ngan ngát hương cau, ngọc lan, hoàng lan, mẫu đơn, cúc vàng… được tỉa tót, kết vòng kết khuôn gợi lên nét xưa cũ thâm trầm, tinh tế, thanh tao.
Ngày xưa, hoa hãy còn hiếm, và riêng hoa Tết để dâng cúng càng phải chọn lựa sao cho kỹ càng, hợp nhẽ. Những ngày giáp Tết, mẹ tôi thường tự chuẩn bị hoa đĩa từ lúc trời vừa tảng sáng. Thường thì hoa sẽ chọn theo mùa, số lẻ, tức là dăm bảy bông hoa, đan xen cho hài hòa, gói trong chiếc lá dong tươi xanh còn đẫm sương đêm. Xuân có hoa cau, hoa bưởi, hoa hồng, mẫu đơn, thược dược... Những hoàng lan, ngọc lan, cúc vàng… đôi khi vẫn còn từ độ cuối đông. Trong nhà, những người phụ nữ luôn dặn dò con cái rất kỹ, rằng không phải loài hoa nào cũng có thể dùng để làm hoa đĩa. Chẳng hạn, rực rỡ, đỏ chót như hoa dâm bụt thì chẳng đời nào lại cắt mà bày. Hay hoa ngũ sắc nở tràn mọi con ngõ cũng thế. Thường thì những loài “hữu sắc vô hương” không được dùng cho nghi lễ.
Muốn có đĩa hoa Tết đẹp, phải ý tứ ngắm nghía từ nhiều ngày trước đó, chung quanh vườn có những nụ nào kịp hé rồi, dự liệu bao nhiêu ngày sẽ nở, và từng ấy nụ bông liệu đã đủ đĩa chưa. Nhà không sẵn hoa lại phải đi chợ sớm. Những người thường ngày bán trầu cau, Tết bán thêm hoa đĩa. Phiên chợ cuối năm, hàng hoa đĩa tô điểm nên sắc màu lung linh ngũ sắc. Chẳng hiểu bằng cách nào mà các bà, các cô bán hàng cứ mùa nào hoa nấy, thậm chí hoa trái mùa cũng có. Một đĩa hoa đủ sắc xanh, đỏ, tím, vàng, trắng… đã đành, đến cách gói lá, buộc lạt chữ thập mới tinh ý làm sao. Các cô hàng xén đôi khi cũng ngó sang học cách mà chẳng thể gói sắc gọn, vuông vắn được. Cả phiên chợ Tết chộn rộn, vội vàng, nhưng phong thái người bán hoa đĩa vẫn cứ thư thả, thong dong.
Ngày Tết, hoa đĩa dù được dâng cúng hay bày biện ở một góc nào đó vẫn toát lên vẻ nền nã, trang nghiêm. Không có mút xốp ẩm, lọ nước, ấy vậy mà hoa vẫn tươi được dăm ba ngày. Hết Tết, hoa héo lại, thoảng mùi lá khô, nhụy khô được gói ghém trọn vẹn trong lá dong khum khum, không tàn lụi, rơi. Tuổi thơ tôi cứ thích hít hà hương hoa khô ấy trong những đêm mùa xuân, nên bà hay mẹ có nhờ bỏ hoa đi cũng len lén mang về một góc cửa sổ, để hoa tiếp tục khô, gió từ bên ngoài thoảng vào, tràn qua đĩa hoa, mang hương mùa đến sớm.
Sau này, sống ở Hà Nội, tôi được ngắm nghía hoa đĩa ngày Tết với nhiều dáng vẻ khác nhau. Hoa không chỉ được bày trong lá dong mà còn được đựng vào giỏ tre, giỏ mây xinh xắn. Cách đây một vài năm, tôi có dịp gặp gỡ nghệ nhân Phan Thị Thu, người hiếm hoi ở đất Hà thành còn gắn bó với nghề làm hoa đĩa, công việc mà bà túc tắc, nhẩn nha, bền bỉ gần 60 năm qua. Dân phố cổ đã quen với người đàn bà quê gốc làng Ngọc Hà xưa. Hơn 80 tuổi, hằng ngày bà vẫn quẩy gánh hàng hoa ngồi bán trên vỉa hè phố Hàng Khoai và chỉ bán hoa đĩa được gói bằng lá. Gánh hoa của bà bốn mùa ngát hương. Khi vãn khách, bà thủ thỉ tâm tình, bà sinh ra và lớn lên ở làng hoa, bán hoa đĩa từ lúc lên mười và khôn nguôi tiếc nhớ: “Mươi năm trước, quanh phố này còn dăm, bảy bà cụ bán hoa đĩa như tôi, vậy mà giờ các cụ đều đã qua đời. Đời sống bây giờ có nhiều loài hoa đẹp đẽ, hương sắc lôi cuốn lắm, nhưng hoa đĩa vẫn thuộc về đời sống tinh thần không thể thiếu. Có những nhà tới ba đời qua hàng tôi mua hoa. Không chỉ lễ Tết, ngày thường họ cũng bày biện”.
Bà bùi ngùi nhắc nhớ, những vị khách quen, sau này chuyển sang nước ngoài định cư, mỗi dịp Tết trở về Hà Nội thăm bà con họ hàng, họ vẫn nhớ và đến gánh hàng hoa của bà để mua về dâng lễ. Hoa đĩa hàng bà Thu nhiều nét giống hoa đĩa chợ phiên quê quê tôi, tức là được gói bằng lạt theo kiểu truyền thống. Con gái, con dâu bà đều biết gói hoa lễ, nhưng việc các con có duy trì được nghề hay không thì chính bà cũng chưa thể nói trước bởi thú chơi hoa, dâng hoa - một nét đẹp truyền thống của người xưa đang dần mai một.
Gương mặt người bán hoa trong nắng sớm, thậm chí trong màn mưa phùn buốt giá, vẫn như tỏa hào quang. Đời sống này, có những điều thật quý giá trong vẻ ngoài dung dị, quen thân như thế. Như mẹ tôi cả năm đôi lần lên phố thăm con, thể nào cũng mang theo hoa đĩa. Nếu vườn nhà sẵn hoa, bà tự tay bày biện, hoa hết mùa thì ra chợ tìm hàng quen. Có lần, vì nhớ hoa đĩa, nhớ tuổi thơ, nhớ cái không gian đặc biệt ấy mà tôi lại bách bộ ra Hàng Khoai tìm mua hoa đĩa của bà Thu. Giật mình bởi chỗ ngồi bấy lâu nay thiếu bóng người. May quá mấy cô bác bán hàng bên cạnh nhanh nhảu: “Bà ấy chỉ chuyển sang cổng đền Quán Thánh ít hôm”. Quả nhiên, dưới gốc cây đa tỏa bóng rười rượi, bà Thu ngồi đó, hiền từ, mủm mỉm bên những đĩa hoa, tay thư thái phẩy chiếc quạt. Bà cười rất tươi khi nghe tôi kể chuyện về bà, về mẹ mình, về những người phụ nữ quê thường tự tay bày biện một đĩa hoa ngày Tết. Rồi như gặp đường niềm đồng cảm, ánh mắt bà chợt sáng khi nghe nhắc tới những loài hoa cổ xưa hồng lam, hồng quế. Giờ thì trên đĩa hoa ở thôn quê hay phố thị cũng ít có những loại hoa này, màu vừa đẹp, hương vừa thơm, lại còn là vị thuốc.
Đĩa hoa ngày Tết gọi về bao xao xuyến, nhớ nhung không khí của một thời mà vào bất cứ nhà nào ngày Tết đều bày hoa đĩa, rồi quyến luyến đến cả đĩa hoa khô se sắt trong gió mùa nơi cửa sổ, như thể khe khẽ nói: Mùa xuân đã về!.