Đi chợ heo Bà Rén ngày giáp Tết Kỷ Hợi

29/01/2019 10:57

(TN&MT) - Nằm tả ngạn bên dòng sông Thu Bồn hiền hòa có một phiên chợ độc đáo, phiên chợ mà chỉ bán một mặt hàng duy nhất là những chú heo. Phiên chợ đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ này là nơi lưu giữ những nét độc đáo, đặc trưng và văn hóa của làng quê Việt Nam.

Được thành lập từ năm 1975, đến nay chợ heo Bà Rén đã có tuổi đời gần 45 năm
Được thành lập từ năm 1975, đến nay chợ heo Bà Rén đã có tuổi đời gần 45 năm

Phiên chợ đặc biệt

Cận Tết, cái lạnh cuối cùng còn sót lại của mùa đông vẫn giăng phủ khắp thôn xóm, làng quê. 6h sáng khi mặt trời vẫn còn ngái ngủ, chợ heo Bà Rén ở xã Quế Sơn 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu sôi động, chộn rộn tiếng nói cười của kẻ mua, người bán, âm thanh động cơ xe cơ giới và tiếng kêu inh ỏi của những chú heo…Không ít người đi dọc QL 1A khi ngang qua đây không chút ngại ngần dựng xe ghé vào chợ heo vì tính hiếu kỳ.

Vội vàng ăn miếng xôi cho ấm bụng, lấy sức bồng heo giữa buổi sáng tất bật, chị Trần Thị Liên - người có thâm niên hai mươi mấy năm gắn bó với chợ heo Bà Rén cho biết, chợ hình thành từ những năm 75 của thế kỷ trước. Và có thể nói, chợ heo Bà Rén là chợ heo tồn tại lâu đời và lớn nhất khu vực miền Trung.

Chính nhờ chủng loại heo phong phú, đa dạng và giá cả phù hợp, nên dẫu phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của người chăn nuôi nhưng chợ heo vẫn tồn tại được cho đến bây giờ. Đó chính là nét đẹp trong truyền thống sản xuất, chăn nuôi của người dân xứ Quảng. Không chỉ bán heo trong chợ, các thương lái còn thu gom nhập bán heo giống cho thị trường các tỉnh, thành trong cả nước mà còn sang tận Lào, Campuchia…

Không chỉ bán heo trong chợ, các thương lái còn thu gom nhập bán heo giống cho thị trường sang tận Lào, Campuchia…
Không chỉ bán heo trong chợ, các thương lái còn thu gom nhập bán heo giống cho thị trường sang tận Lào, Campuchia…

“Phiên chợ bắt đầu từ 7h sáng đến tầm 10h thì nghỉ. Điều đặc biệt là để đảm bảo sức khỏe cho những chú heo, phiên chợ chỉ nhóm vào những ngày nắng đẹp, riêng ngày 30 và mùng 1 thì không bán.Thường những ngày giáp Tết phiên chợ sẽ càng đông đúc, nhộn nhịp. Tầm khoảng 28 Tết chợ sẽ nghỉ và họp phiên chợ mới đầu năm vào ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch”- chị Liên chia sẻ.

Ông Phạm Cư - Trưởng Ban quản lý chợ Heo cho biết, chợ này được nhà nước đầu tư, đây là khu chợ lớn nhất Quảng Nam. Đây là khu chợ tập trung nên các thương lái ở các huyện, các vùng khác thường đổ về buôn bán. Hiện có 100 hộ đang kinh doanh, buôn bán heo tại chợ. Ban quản lý rất quan tâm về vấn đề dịch bệnh, luôn kiểm soát, tới mùa thường xuyên phun thuốc khử độc, khử trùng để đảm bảo vệ sinh trong khu vực chợ cũng như tránh tình trạng dịch bệnh cho heo.

Ở chợ, chủ yếu phụ nữ làm nghề bồng heo để cân
Ở chợ, chủ yếu phụ nữ làm nghề bồng heo để cân

“Đây là khu chợ uy tín, người bán kẻ mua thì đã quá quen mặt nhau nên hầu như không có chuyện gian thương. Chợ heo cũng thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan bởi vì sự tò mò của họ với nét độc đáo, khác biệt của phiên chợ này”- ông Cư cho biết thêm.

“Độc nhất vô nhị” nghề bồng heo

Ở các chợ bán heo, thường ta chỉ nghe nói nghề buôn heo, bắt heo, chở heo… còn ở chợ heo Bà Rén có nghề “bồng heo”. Do nhu cầu cân heo để bán cho khách hàng, chủ heo cần phải chuyển heo từ rọ này sang rọ khác, có khi còn bồng heo lên để người mua ngắm nghía, kiểm tra xem vừa ý chưa. Sau khi xem xong họ lại nhờ thả lên xe coi như lấy “tay” người nuôi. Dần dần, nghề bồng heo xuất hiện như thể một nghề mưu sinh nặng nhọc.

Bồng heo, cân heo là nét độc đáo của phiên chợ
Bồng heo, cân heo là nét độc đáo của phiên chợ

Chị Trần Thị Thảo,có 27 năm trong nghề bồng heo ở đây cho biết gần 35 năm trước, chồng bà mất, để lại cho bà hai con nhỏ. Bằng nghề bồng heo, chị Thảo tằn tiện, chắt chiu nuôi 2 con khôn lớn. Công việc của chị bắt đầu từ sáng từ 5h - 10h sáng. Mỗi ngày bồng 100 con. Con lớn được trả 1 ngàn, con nhỏ 500 đồng. Cực nhọc và vất vả lắm thì mỗi ngày cũng chỉ kiếm được hơn 70 - 100 ngàn.

“Nghề bồng heo nhìn đơn giản nhưng thật ra rất vất vả, nhọc nhằn. Bồng heo cũng phải biết cách, bồng phải vừa nhanh, vừa cẩn thận để heo không bị thương, không vùng vẫy. Tuy vất vả nhưng công việc này cũng có nhưng niềm vui, đó là tình cảm mọi người dành cho nhau rất chân tình, lúc mới vào nghề, do bồng chưa đúng cách nên heo vuột chạy mất nhưng chị vẫn không bị thương lái đền bù. Chắt chiu từ nghề bồng heo này đã là nơi mưu sinh giúp con cái chị ăn học đến nơi đến chốn”- chị Thảo tâm sự.

Cực nhọc và vất vả mỗi ngày các chị chỉ kiếm được hơn 70 -100 ngàn
Cực nhọc và vất vả mỗi ngày các chị chỉ kiếm được hơn 70 - 100 ngàn

Cơ cực hơn, chị Trần Thị Lợi, một mình gồng gánh nuôi 3 đứa con bằng nghề bồng heo thuê đã hơn 20 năm nay. Dấu vết thời gian dường như đã in hằn lên gương mặt khắc khổ của người người góa phụ này. Chị Lợi kể, những hôm thức khuya, dậy sớm với chị đã quá quen thuộc. Chị dậy từ tờ mờ sáng để lo cơm nước cho con, sau đó thì lại ra chợ bế heo thuê, hết việc tại chợ bà lại tiếp tục đi làm thuê, về nhà lại quần quật đến khuya.

“Tính ra mỗi ngày cũng kiếm được năm bảy chục nghìn, có hôm mắn thì được hơn trăm ngàn đủ để nuôi con.Với tôi, cực nhọc mấy cũng chịu được chỉ mong sao con ăn học nên người.”- chị Lợi chia sẻ.

Phiên chợ là nơi lưu giữ những nét độc đáo, đặc trưng và văn hóa của làng quê Việt Nam
Phiên chợ là nơi lưu giữ những nét độc đáo, đặc trưng và văn hóa của làng quê Việt Nam

Theo các bà, các chị làm nghề “bồng heo”, heo nặng không sao nhưng cực khổ và khó chịu nhất là mùi hôi từ heo. Mùa nắng mùi phân bốc lên nồng nặc, mùa mưa thì phân nhễ nhại, bôi trét khắp người. Cực nhọc là thế nhưng nhiều lúc ngồi lại chia sẻ niềm vui họ như ấm áp hơn, đặc biệt nơi đây không có chuyện cãi cọ hay giành mối. Chính sự lam lũ nghèo khó, chia sẻ cùng nhau làm tình người lan tỏa, ấm áp khắp nơi.

10h giờ hơn, trời trưa đã có nắng, cũng là lúc chợ heo vãn, chỉ còn những cọng rơm khi lót cho heo nằm trong các sọt rơi vương vãi trên mặt đất, các mẹ, các chị mới bớt tất bật ngồi lại bên nhau hỏi han sáng chừ được nhiêu, nhiều hay ít…Trong ánh mắt đong đầy niềm vui bởi hôm nay chợ đông, có thêm đồng ra đồng vào để sắm sửa cái Tết đủ đầy cho gia đình, con cái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi chợ heo Bà Rén ngày giáp Tết Kỷ Hợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO