Đến cuối năm 2017: Sẽ còn khoảng 4 - 5 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông

20/09/2017 00:00

(TN&MT) - Đó là thông tin về hiện tượng Enso và diễn biến khí tượng thủy văn trong 2 tháng 8 - 9/2017 và cập nhật hiện tượng khí tượng thủy văn từ nay đến cuối năm 2017 mà Trung tâm KTTV Quốc gia vừa đưa ra ngày 20/9

Sản phẩm đo mưa lúc 15h30 tại miền Trung của trạm Rada thời tiết Vinh - Nghệ An. Ảnh chụp qua màn hình. Ảnh: Việt Hùng
Theo dự báo của Trung tâm KTTV Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2017 sẽ còn khoảng 4 - 5 cơn Bão và Áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông

Năm 2017 còn khoảng 5 cơn bão, La Nina tăng dần vào đầu 2018

Báo cáo xập nhật dự báo khí tượng thủy văn từ nay đến hết năm 2017 của Trung tâm KTTV Quốc gia cho biết: Hiện tượng ENSO iếp tục duy trì pha trung tính trong các tháng cuối năm 2017, khả năng xuất hiện La Nina tăng dần vào đầu năm 2018.

Các quan trắc nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 và kết quả dự báo về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy xu hướng lạnh đi rõ rệt của nhiệt độ mặt nước biển so với các tháng trước đó. Với những diễn biến như vậy đa số các mô hình dự báo đều có sự điều chỉnh so với những dự báo trước đây; theo đó hiện tượng ENSO vẫn được dự báo ở pha trung tính trong các tháng cuối năm 2017, nhưng có xu hướng chuyển dần trạng thái sang pha La Nina vào đầu năm 2008.

Hệ quả của diễn biến lạnh đi của nhiệt độ mặt nước biển với chế độ thời tiết, khí hậu, thủy văn ở nước ta trong những tháng cuối năm 2017 đó là: khả năng mùa bão và ATNĐ sẽ kéo dài, mùa mưa, lũ ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc muộn hơn so với TBNN, mưa có xu hướng cao hơn TBNN trong các tháng cuối năm. Nền nhiệt độ trung bình trên toàn quốc có xu hướng dao động ở mức xấp xỉ với TBNN.

Về bão và Áp thấp nhiệt đới, dự báo từ tháng 10 đến hết năm 2017 sẽ còn khoảng 4-5 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, chủ yếu tập trung ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông. Trong số đó có khoảng từ 1-2 cơn bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta và tập trung ở khu vực Trung Bộ, Nam Bộ. Ngoài ra, trong các tháng cuối năm, do hoạt động của rãnh thấp xích đạo, vùng biển Giữa và Nam Biển Đông, vùng biển phía Tây có thể xuất hiện mưa dông mạnh kèm tố, lốc và gió giật.

Về lượng mưa cụ thể như sau: Khu vực Bắc Bộ: Lượng mưa trong tháng 10/2017 phổ biến cao hơn TBNN từ 15-30%, từ tháng 11-12/2017 phổ biến thấp hơn TBNN khoảng 15-30%. 

- Khu vực Trung Bộ: Lượng mưa ở khu vực Bắc Trung Bộ từ nay đến cuối năm 2017 phổ biến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ, riêng tháng 10 có khả năng cao hơn TBNN từ 10-20%. Tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ lượng mưa từ tháng 10-12/2017 phổ biến cao hơn từ 10-20% so với TBNN.

- Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Trong tháng 10/2017, lượng mưa tại khu vực Nam Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN, khu vực Tây Nguyên có khả năng ở mức cao hơn từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ.Từ tháng 11-12/2017 lượng mưa phổ biến cao hơn khoảng 10-30% so với TBNN cùng thời kỳ. Mùa mưa trên khu vực có khả năng kết thúc muộn hơn so với trung bình.

Thủy văn: trong tháng 10, trên các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ, đỉnh lũ các sông ở mức dưới BĐ1. Từ tháng 11-12/2017, nguồn nước trên các sông phổ biến ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN từ 5-20%.

Đỉnh lũ năm 2017 ở hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng ở BĐ1-BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ở mức BĐ2-BĐ3, tương đương TBNN; nguy cơ cao  xảy ra lũ lớn, lũ quét ở thượng lưu các sông chính và trên các sông suối nhỏ. Mùa lũ ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng kết thúc muộn.

Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương tiếp tục nhận định, đỉnh lũ năm 2017 ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức TBNN (sông Tiền tại Tân Châu: 4,2m; sông Hậu tại Châu Đốc: 3,8m), thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10/2017. Tuy đỉnh lũ ở mức TBNN nhưng tiềm ẩn nguy cơ tác động lớn đến khu vực.

Hải văn, nguy cơ nước dâng do bão và sóng lớn vẫn sẽ tập trung ở ven biển Trung Bộ. Ngoài ra, các đợt không khí lạnh gia tăng về tần suất vào các tháng cuối năm sẽ gây sóng lớn 3-4m tại khu vực biển ngoài khơi và 2-3m tại ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh-Cà Mau.

Tại ven biển Nam Bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày đầu của tháng 10, 11 và 12. Trong khi đó, tại ven biển Trung Bộ, nhất là Phú Yên nguy cơ triều cường cao tập trung vào tháng 11 và 12 trong các đợt gió mùa Đông Bắc lấn sâu xuống khu vực…

ENSO tiếp tục được xác định đang ở trạng thái trung tính

Theo Trung tâm KTTV Quốc gia, hiện tại, ENSO tiếp tục được xác định đang ở trạng thái trung tính, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), đến thời điểm nửa đầu tháng 9/2017 chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển đang là -0,3oC, giảm so với thời điểm giữa tháng 8/2017 là 0,3oC.

Khí tượng: Trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9/2017 trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 03 cơn bão (Bão số 6, Bão số 7 và Bão số 10) và 01 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); Trong đó hai cơn bão số 6 và bão số 7 xuất hiện liên tiếp vào cuối tháng 8 và đều đổ bộ vào khu vực Quảng Đông (Trung Quốc) và gây ra các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ.

Cơn bão số 10 đổ bộ vào khu vực Hà Tĩnh – Quảng Bình, (vùng tâm bão đi vào Nam Đèo Ngang) vào trưa ngày 15/9. Thời gian có gió bão mạnh cấp 7-8, giật cấp 11 ở vùng ven biển và đất liền nước ta kéo dài trong khoảng từ 07h đến 15h ngày 15/9. Trên biển, bão số 10 đạt cường độ mạnh nhất với gió mạnh cấp 13, giật cấp 15 và khi đổ bộ vào đất liền đạt cấp 11-12, giật cấp 14-15. Cụ thể thông tin về gió mạnh của một số nơi như sau: Kỳ Anh (Hà Tĩnh): cấp 10, giật cấp 13, Hoành Sơn (Hà Tĩnh): cấp 11, giật cấp 15, Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh): cấp 10, giật cấp 12, Tân Mỹ (Quảng Bình): cấp 8, giật cấp 13, Tp. Đồng Hới (Quảng Bình): cấp 8, giật cấp 12, Cửa Việt (Quảng Trị): cấp 8, giật cấp 10, Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị): cấp 13, giật cấp 14.

Các khu vực khác thuộc đất liền các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng đều có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Từ ngày 14/09 đến sáng ngày 16/09 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa 200-300mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Cửa Việt (Quảng Trị) 360mm, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 380mm. Ở khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn la có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-150mm.

Tổng lượng mưa trong tháng 8 tại khu vực Trung du, vùng núi phía Bắc và khu vực các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đều phổ biến cao hơn TBNN từ 30-70%. Các khu vực còn lại trên toàn quốc phổ biến thấp hơn so với TBNN từ 20-60%.

Mực nước các hồ chứa lớn trên thượng lưu sông Hồng đều cao hơn năm 2016

Khu vực Bắc Bộ: Trên các sông đã xảy ra 5 đợt lũ với đỉnh lũ lên trên mức báo động (BĐ) 2. Lũ ống, lũ quét đã xảy ra tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), huyện Mường La (Sơn La), huyện Bát Xát (Lào Cai). Sạt lở đất đáđã xảy ra tại tỉnh Lai Châu (huyện Mường Tè, Nậm Nhùn), Điện Biên (Quốc lộ 12 và 4H, huyện Nậm Pồ), Yên Bái (huyện Mù Cang Chải), Sơn La (huyện Mường La). Ngập úng cục bộ đã xuất hiện tại tỉnh Điện Biên (huyện Nậm Pồ), tỉnh Yên Bái (huyện Lục Yên) và nội thành Thành phố Hà Nội.

Mực nước các hồ chứa lớn trên thượng lưu sông Hồng đều cao hơn năm 2016 và thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-2m.

Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên: Trong tháng 8, trên các sông ở Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện 3 đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3,0-4,5m, hạ lưu từ 1,0-2,0m. Đỉnh lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Gia Lai ở dưới mức BĐ1, các sông ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng ở mức BĐ1-BĐ2; các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm, riêng mực nước trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng xuống mức 2,84m (19h/04/8), sông Tả Trạch tại Thượng Nhật xuống mức 57,21m (1h/24), là mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.

Từ ngày 14-17/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Quảng Bình từ 6,0-7,5m, sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và sông Gianh (Quảng Bình) từ 9,5-10m; các sông ở Thừa Thiên Huế, hạ lưu các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị từ 1,0-5,5m. Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình, thượng lưu sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) ở mức BĐ2 đến trên BĐ2 từ 0,6-0,9m; đỉnh lũ các sông ở Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ở mức trên BĐ1 từ 0,1-0,7m.

Khu vực Nam Bộ: Từ đầu tháng 8 đến 15/9, mực nước trên sông Mê Công xuống dần và ở mức thấp hơn TBNN từ 0,2-2,0m. Từ 16 -19/9, trên sông Mê Công xuất hiện 1 đợt lũ, với biên độ lũ lên tại trung và thượng lưu sông Mê Công từ 1,5-3,0m, hạ lưu sông Mê Công (từ Cảng Phnôm Pênh Port đến hết Cam  Pu Chia) đang lên với biên độ từ 0,2- 0,3m và ở mức xấp xỉ TBNN.

Hiện tại (19/9), mực nước sông Cửu Long đang lên, trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,09m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,72m, thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 0,5-0,7m, vùng hạ lưu đang ở mức BĐ1.

Tình hình hồ chứa: Dung tích trữ trung bình của các hồ chứa thủy lợi từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đạt từ 40-85% dung tích thiết kế (DTTK), các hồ khu vực Tây Nguyên đạt trung bình từ 80-95% (DTTK).

Mực nước hầu hết các hồ chứa thủy điện lớn ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT) từ 0,5-4,5m; các hồ thấp hơn MNDBT từ 5-9m như Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Sông Hinh, Ialy; một số hồ thấp hơn MNDBT từ 10,5-25m gồm Kanah, Hàm Thuận.

ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino - Dao động Nam) để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (Được gọi là Dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương)

Hải Ngọc - Châu Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến cuối năm 2017: Sẽ còn khoảng 4 - 5 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO