Đề xuất giải pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai

Mai Đan| 31/08/2022 21:22

(TN&MT) - Ngày 31/8 tại Hà Nội, Trường Đại học TN&MT Hà Nội phối hợp với Tổ chức hợp tác Quốc tế về giáo dục Đại học Hà Lan – NUFFIC tổ chức Hội thảo quốc tế “Công nghệ ứng dụng trong ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai”.

img_9283.jpg
GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học TN&MT Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết, với chủ đề “Công nghệ ứng dụng trong ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai”, Hội thảo quốc tế lần này có chương trình phong phú và mang đến cơ hội đặc biệt - là nơi quy tụ các giáo sư, nhà nghiên cứu trên toàn cầu, đồng thời là nền tảng để cung cấp các kết quả nghiên cứu sáng tạo, các xu hướng và phát triển mới nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học và tổ chức khác nhau, như: Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Việt Nam); Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Việt Nam); Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB);… Theo đó, Hội đồng đã thông qua 11 tham luận để trình bày tại Hội thảo. Các tham luận về các chủ đề khác nhau được chia thành 2 phiên họp.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, thực trạng khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh về phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đến khu vực đang gây ra tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước của Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Hà chỉ ra 4 mối đe dọa đối với an ninh nguồn nước ở Việt Nam, bao gồm: Trên 60% tổng lượng dòng chảy sông ngòi Việt Nam đến từ nước ngoài; thiên tai và biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa nguồn nước; chất lượng nước có nguy cơ suy thoái nghiêm trọng; nhu cầu sử dụng nước của Việt Nam ngày càng tăng do sức ép phát triển kinh tế - xã hội, dân số gia tăng và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần.

811bbd93e60e23507a1f.jpg

TS. Lê Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội nhấn mạnh, qua hội thảo, các đại biểu có thể tích luỹ được những kiến thức bổ ích về ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai

Ông Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, trong những năm tới, Luật Tài nguyên nước sửa đổi cần đảm bảo độ tin cậy và hiệu quả trong thực thi. Những nội dung, chính sách lớn cần sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa thành Luật Tài nguyên nước và tập trung vào 5 nhóm chính sách: Đảm bảo an ninh nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra; chính sách xã hội hóa ngành nước; chính sách tài chính về tài nguyên nước…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới, theo ông Hà, cần có giải pháp tổng thể và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, tăng cường toàn bộ thể chế quản lý; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tiếp thu, xử lý và cung cấp thông tin tài nguyên nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đa phương và song phương; sắp xếp hợp lý nguồn kinh phí cho hoạt động quản lý tài nguyên nước.

Ngoài tham luận về hiện trạng, thách thức và triển vọng tương lai của an ninh nguồn nước ở Việt Nam, một số tham luận khác cũng được trình bày tại Hội thảo gồm: Cách tiếp cận học máy trong nghiên cứu thảm hoạ thiên tai; đánh giá mức độ phá vỡ cảnh quan ở khu vực Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) sử dụng các mô hình cây khác nhau; phòng, chống hạn hán bằng chuyển nước liên lưu vực ở Tây Nguyên; xây dựng kế hoạch kiểm soát nước, giảm thiểu lũ lụt ở Cần Thơ; những thách thức, bài học và đổi mới để tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu và quản lý rủi ro tổng hợp lũ lụt ở Việt Nam: Kinh nghiệm từ các Dự án phát triển 15 năm.

img_9332.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Ngoài ra, còn có các tham luận về ứng dụng tổng hợp các phương pháp Địa chất, mô hình Thủy động lực học, Công nghệ viễn thám và Hệ thống thông tin địa lý để cảnh báo nguy cơ xói lở bờ sông Hồng khu vực Sơn Tây - Gia Lâm, Hà Nội; sử dụng hình ảnh trên mặt đất để giám sát các đảo nhiệt đô thị tại Hà Nội, Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2021; cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất: vai trò của thông tin thủy văn từ các cảm biến tại chỗ và vệ tinh; kết quả so sánh phân tích sự cố dốc đá trên tuyến quốc lộ 3B, khu vực Xuất Hóa, Bắc Kạn; các công cụ hợp tác và công cụ mở để Quản lý Thiên tai và Giảm thiểu Rủi ro.

TS. Lê Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội đánh giá, các tham luận này có nhiều nội dung rất thú vị và tập trung vào 2 vấn đề chính của hội thảo là ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Bà mong rằng, qua các tham luận, cũng như phần thảo luận, các đại biểu tham dự sẽ rút ra được những bài học, kinh nghiệm quý báu để góp phần giải quyết những vấn đề về thảm hoạ thiên nhiên không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giải pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO