Năm 2020, thế giới bước sang năm thứ 35 năm trên hành trình phục hồi tầng ô-dôn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn cầu. Thông điệp “Bảo vệ tầng ô-dôn vì sự sống” năm 2020 nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tầng ô-dôn đối với sự sống trên Trái đất và chúng ta phải tiếp tục bảo vệ cho các thế hệ tương lai.
Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn vào năm 1994. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn được đánh giá là nước thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal. Đặc biệt là không sản xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, nhưng có nhập khẩu các chất ODS để phục vụ nhu cầu sản xuất, dịch vụ, chủ yếu trong các lĩnh vực điện lạnh, điều hòa không khí...
Ảnh minh họa |
Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao của quốc gia trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Trong đó, Việt Nam hướng phát triển các bon thấp - một xu thế tất yếu trên thế giới - trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống có thể khai thác dựa vào nguồn nhiên liệu hoá thạch sẽ ngày một cạn kiệt. Kinh nghiệm của nhiều nước đã áp dụng mô hình tăng trưởng các bon thấp đã cho thấy thông qua đầu tư mạnh cho năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, cải thiện hiệu quả sử dụng/tiêu thụ năng lượng không chỉ góp phần giảm lượng thải nhà kính mà sẽ tạo ra nguồn thu nhập, việc làm mới cho nền kinh tế.
35 năm qua, thế giới đã có những bước phát triển nhảy vọt trên nhiều phương diện. Thế giới như nhỏ bé và gần nhau hơn bởi công nghệ giúp thu ngắn khoảng cách. Những điều đó là không thể phủ nhận. Song mặt trái của sự phát triển cũng đang đặt con người vào tình trạng bất ổn. Hơn 1 tỷ người trên thế giới không tới được nguồn nước. Hàng chục triệu trẻ em khắp năm châu đang trong tình trạng suy sinh dưỡng, đói khát… đó là những con số khi nhắc tới khiến nhiều người phải giật mình.
Dường như đồng hành cùng sự phát triển như vũ bão của các lĩnh vực công nghiệp là các mối nguy hại thường trực với con người.
Hơn 35 năm phát triển, chúng ta lại như quay trở về vạch xuất phát. Lần này, đe dọa xem ra còn trầm trọng hơn. Nếu trước đây chúng ta mong muốn rút ngắn khoảng cách, đẩy nhanh thời gian để làm ra thật nhiều sản phẩm phục vụ con người; thì nay từ cái thiếu đã thành cái thừa, và chính cái thừa ấy đã gây sự bất ổn cho chính cuộc sống con người. Trong cái bất ổn ấy, ngoài sự chủ quan chưa được tính đến, còn có sự tiếp tay của những hành động tàn phá môi trường, hủy hoại nguồn sống an lành. Lòng ham muốn và nhu cầu hưởng thụ thái quá đang đẩy cuộc sống của chính chúng ta đến gần hơn với những đe dọa, bất ổn. Môi trường đang bị hủy hoại, trái đất đang nóng lên.
“Trái đất này là của chúng mình”. Rất tiếc, tiếng hát trong veo ấy thường chỉ cất lên từ trái tim trẻ thơ. Cầu mong tất cả nhân loại cùng hát chung câu hát này. Hát lên cùng một lúc, không ai hát nhanh quá, cũng đừng quá chậm. Bởi cái nhanh - chậm ấy rất dễ biến cái “của chúng mình” thành “của riêng mình”.