Ông Nguyễn Thái Hòa cho biết: là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vị trí, địa hình đã tạo thuận lợi cho Phú Yên trong việc kết nối, giao thương với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, khu vực Đông Bắc Campuchia và trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây. Đồng thời Phú Yên cũng là một trong những tỉnh có vị trí phòng thủ quốc gia từ tuyến biển, là một cửa ngõ quan trọng ra biển của tuyến đường xuyên Á, có tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu hợp tác, trao đổi kinh tế, văn hoá, an ninh - quốc phòng, khoa học công nghệ giữa Phú Yên với các tỉnh thành trong cả nước và quốc tế.
Với hơn 189km đường bờ biển, trải dài trên 4 huyện, thị xã, thành phố; có nhiều dải núi ăn sâu ra biển tạo nên các đầm phá, vũng vịnh, cửa sông..., đây là những nét độc đáo và đa dạng về địa hình biển ở Phú Yên. Trong đó, khu vực đất ngập nước đa dạng về hệ sinh thái (san hô, cỏ biển, rong, tảo biển) với khoảng 488.600ha, vịnh biển khoảng 14.685ha (vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô), đầm khoảng 4.225ha (đầm Ô Loan, đầm Cù Mông), khoảng 2.000ha bãi triều gắn liền 3 cửa sông lớn cung cấp nguồn thức ăn, tạo nên sự phong phú cho các loài thủy, hải sản ở vùng biển ven bờ.
Sự đa dạng về địa hình, tài nguyên và các hệ sinh thái đã tạo nguồn lực cho phát triển các ngành kinh tế biển như: dịch vụ và du lịch biển, đảo; khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; công nghiệp chế biến; giao thông biển, cảng biển; khai thác năng lượng... gắn với đảm bảo quốc phòng và an ninh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường thích ứng với BĐKH để từng bước xây dựng nền Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Phú Yên đã xác định Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm trong tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng biến đổi khí hậu khó lường hiện nay. Theo đó, trên cơ sở những chỉ đạo, chính sách và định hướng lớn của Trung ương, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi xanh, để qua đó các cấp chính quyền và địa phương đã triển khai nhiều hành động và giải pháp, bước đầu mang lại nhiều kết quả quan trọng
Ngay sau khi Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt, cùng với thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Yên đã ban hành 05 chương trình hành động và 07 Quyết định, kế hoạch liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, Bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng. Các sở, ban, nghành, địa phương của tỉnh đã nỗ lực hiện thực hóa Chương trình hành động và Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Tuyên truyền bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa
Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải, tái chế chất thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh tổ chức, phối hợp với hơn 9 cơ quan, Hội, đoàn thể của tỉnh tập trung tuyên truyền xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại, tuần hoàn tái sử dụng rác thải với giải pháp rác hữu cơ và sản xuất nước tẩy rửa sinh học, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa khó phân hủy dùng 01 lần.
Sở đã chủ động ký kết phối hợp với Trung tâm truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên xây dựng nội dung, phát sóng và đăng tin các hoạt động, chuyên đề tuyên truyền định kỳ, thường xuyên. Đồng thời, tích cực hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường góp phần thực hiện thành công chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao.
Tăng cường tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch quan trắc môi trường, giám sát chất lượng nguồn thải khí, nước thải, đặc biệt là giám sát nguồn thải từ đất liền, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, giám sát rác thải nhựa…
Từng bước hiện thực hóa Đề án 15 triệu cây xanh
Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 16/11/2021 của UBND tỉnh Phú Yên về việc Phê duyệt Đề án Trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 đã thu hút hơn 18 cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia và đến nay, kết quả triển khai thực hiện Đề án trồng khoảng 9.392.606 cây, đạt tỷ lệ 62,62%.
Theo số liệu tổng hợp, tính đến Năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 46,55% (theo Quyết định công bố hiện trạng rừng của UBND các huyện, thị xã, thành phố) tăng so với năm 2020 là 45,09%, năm 2021 là 46,25%; Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 48% theo kế hoạch.
Phát huy tiềm lực, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo
Nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng, tỉnh Phú Yên đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; nhất là quan tâm thu hút đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; qua đó tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương cập nhật 11 dự án điện mặt trời với tổng công suất 845,7MWp và 13 dự án điện gió với tổng công suất 956MW vào quy hoạch điện VIII. Đến nay, toàn tỉnh có 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 505,216MWp đã hoàn thành phát điện:
Tỉnh Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện gồm: Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1, Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 2, Trang trại phong điện HBRE An Thọ, Nhà máy điện gió và điện mặt trời xanh Sông Cầu, với tổng công suất 599,22MW vào quy hoạch phát triển điện lực. Các dự án điện gió, điện mặt trời sau khi được Chính Phủ, Bộ Công Thương phê duyệt Bổ sung quy hoạch đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và các chủ đầu tư đã tập trung triển khai thực hiện.
Thu hút đầu tư, phát triển các loại hình sản xuất kinh doanh xanh
Tỉnh Phú Yên xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phải bền vững (kinh tế xanh, sản xuất xanh), dựa trên tiềm năng, lợi thế, qua đó xác định hướng đi để đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng tâm, trọng điểm, cụ thể:
Trong phát triển Dịch vụ, du lịch, Phú Yên từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; Khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, nhằm định hướng, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp. Khuyến khích hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng, phát thải ròng bằng “0” để phục vụ các hoạt động dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Trong sản xuất xanh trong nông nghiệp, tỉnh từng bước tổ chức, cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp gắn với sản xuất xanh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Phú Hòa, tạo ra sản phẩm nông sản có năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu (tiêu dùng xanh). Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp có sự hợp tác, liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương có giá trị kinh tế cao theo tiêu chuẩn VietGAP; đăng ký sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, Phú Yên tiếp tục hoàn thiện về thể chế chính sách, cụ thể hóa từng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, phân công cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thường xuyên về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khuyến khích mở rộng mô sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực giám sát, quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai, sự cố môi trường. Đầu tư một số trạm quan trắc, cảnh báo thiên tai, thảm họa môi trường tự động trên các vùng nhạy cảm về biến đổi khí hậu, vùng ven biển của tỉnh.
Chú trọng hoạt động trồng cây xanh theo Đề án 15 triệu cây xanh, bảo vệ các hệ sinh thái rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ các hệ sinh thái biển trên vùng biển của tỉnh. Lập kế hoạch phục hồi và phát triển các khu, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo; nguồn thải từ hoạt động giao thông vận tải, dịch vụ du lịch...
Chủ động huy động nguồn lực trong và ngoài nước để tăng cường kiểm soát nguồn thải, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; quán triệt và thực hiện “khai thác đi đôi với phục hồi và tái tạo”; nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng, thuỷ văn, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học;
“Tôi cho rằng, tích hợp chiến lược tăng trưởng xanh vào quy hoạch tỉnh để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi xanh, hướng tới thu hút các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, các dự án sản xuất xanh, dự án có công nghệ thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững giải quyết các vấn đề suy thoái hệ sinh thái, môi trường, nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng “0”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước và từng bước cải thiện môi trường sống của người dân…” - ông Nguyễn Thái Hòa nhấn mạnh.