Những pháo đài canh vòng ngoài dầu khí
Sau sự kiện Trường Sa 1988, khi Trung Quốc cho tàu chiến và binh lính đổ bộ đánh chiếm trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam làm 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân hi sinh, Đô đốc Giáp Văn Cương lúc đó giữ chức Tư lệnh Hải quân đã dự báo: “Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam”, việc xây dựng các Nhà giàn trên các bãi san hô ngầm là một tất yếu. Sau đó ông đề xuất với Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng cho xây dựng các nhà chân cao trên các bãi san hô ngầm với hai lý do:
Thứ nhất: Để bảo đảm an ninh cho các giàn khoan dầu khí hoạt động nhất thiết phải có lực lượng bảo vệ vòng ngoài, lực lượng này nhất thiết phải sử dụng bộ đội Hải quân, đủ sức mạnh, am hiểu về biển đảo.
Việc triển khai lực lượng ra trấn giữ theo “vòng cung” từ hướng biển trên phần thềm lục địa của Tổ quốc, là đỉnh cao “chiến lược phòng thủ biển”, vừa bảo vệ an toàn cho các giàn khoan dầu khí hoạt động, khai thác và phát triển kinh tế biển trong tương lai, vừa có tầm chiến lược lâu dài, bảo vệ đất nước từ hướng biển.
Thả hoa tưởng niệm viếng các liệt sĩ đã hi sinh trên biển |
Lý do thứ 2 Đô đốc Giáp Văn Cương cho xây dựng nhà giàn là xuất phát từ thực tiễn tổng kết lịch sử trong chiến tranh vệ quốc của Việt Nam. Đối phương đến xâm chiếm Việt Nam có 10/14 cuộc tấn công nước ta từ đường biển, vì vậy bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển là “dĩ bất biến”, tức là “bất di bất dịch” không thể làm khác. Có bảo vệ Tổ quốc vững chãi từ hướng biển, mới bảo đảm cho nền hòa bình vững chắc, để phát triển đất nước từ nội lực.
Sau gần 6 tháng khảo sát, xây dựng, ngày 5.7.1989, nhà giàn Phúc Tần 3 được hoàn thành trên Bãi san hô ngầm Phúc Tần, sau đó, 14 nhà giàn khác cũng được đóng trên 7 Cụm bãi cạn dọc dài dải san hô ngầm (Ba Kè, Huyền Trân, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quế Đường, Tư Chính, Cà Mau). 15 nhà giàn DK1 thực sự là những pháo đài thép canh vòng ngoài cho giàn khoan dầu khí khai thác, hoạt động.
Sau hơn 31 năm chốt giữ, các nhà giàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong bảo vệ an ninh cho các công trình dầu khí hoạt động. Nó không những là “vành đai thép” án ngữ, ngăn chặn sự xâm chiếm của các nước lớn, là “mắt thần” quan sát, cảnh giác cao độ động thái, ý đồ xâm chiếm của nước ngoài, mà còn là những cột mốc sống khẳng định lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế không tranh cãi của Việt Nam.
Cho đến bây giờ sau hơn 31 năm, 15 nhà giàn DK1 luôn khẳng định được vị trí đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Với tư cách là “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”, mỗi nhà giàn là một pháo đài vững chắc, chốt giữ vùng biển chạy dài theo hình vòng cung phía đường biên. Chủ nhân trên những ngôi nhà đặc biệt ấy là cán bộ chiến sĩ hải quân thuộc tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân- những người được coi là “bia chủ quyền sống” giữa ngàn khơi.
Anh ngã xuống cho giàn khoan cháy mãi
Trong nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ vùng trời, vùng biển Thềm lục phía Nam cho những giàn khoan cháy mãi suốt 45 năm qua, những người lính nhà giàn DK1 đã chấp nhân gian khổ và sẵn sàng hi sinh trên biển. 11 cán bộ chiến sĩ hi sinh, trong đó 6 người mà thi thể của các anh đã vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi chính là “ngã xuống” để ngọn lửa giàn khoan trường tồn cháy mãi.
Vững tay súng canh biển Tổ quốc |
Trong ngày kỷ niệm 45 năm thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, quên sao được ba liệt sĩ đầu tiên hi sinh trong cơn lốc cuồng phong đêm 4 tháng 12 năm 1990 là Trung úy Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng, Y sĩ Trần Văn Là và nhân viên cơ điện Hồ Văn Hiền.
Giữa đêm tối mịt mùng, 8 cán bộ chiến sĩ bám vào mảng phao bè cũ, chống chọi với bão tố chờ tàu đến cứu. Biết không thể trụ trước những đợt sóng dữ, Nguyễn Hữu Quảng đã nhường miếng lương khô cuối cùng và mảnh áo phao cá nhân cho đồng đội rồi để sóng biển cuốn đi.
Để cứu tàu thoát chìm trước những đợt sóng ngầm từ lòng biển, thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường đã buộc dây mồi ngang bụng, nhảy xuống biển bơi vào nhà giàn 1A trên bãi cạn Tư Chính để nối liên lạc, gọi tàu đến cứu. Song những cơn sóng dữ đã nhấn chìm hai anh xuống đáy san hô. Tàu HQ-666 đã bị sóng đánh chìm ngay trong đêm ngày 4 tháng 1 năm 1991.
Đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13 tháng 12 năm 1998, cơn bão có tên quốc tế Fathes đã đánh sập nhà giàn Phúc Nguyên 2A, cuốn theo 9 cán bộ chiến sĩ xuống biển trong đêm tối mịt mùng. Trong trận bão tố này, 3 cán bộ chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại biển sâu.
Trước lúc hi sinh, đại úy Vũ Quang Chương đã ôm cờ Tổ quốc vào lòng; thiếu úy Nguyễn Văn An để lại nơi quê nhà Kim Sơn, Ninh Bình người vợ trẻ và đứa con chưa một lần nhìn mặt. Còn chuẩn úy Lê Đức Hồng, ngã vào lòng biển cả chưa một lần yêu. Hành trang anh đem theo là những lá thư kết bạn trên báo Tiền Phong chưa kịp gửi về đất liền.
Và mới đây nhất, Đại úy Dương Văn Bắc, người con Nghệ An anh dũng hi sinh trong làm nhiệm vụ kiểm tra thiết bị gia cố vật cản nhà giàn, để lại hậu phương người vợ trẻ và hai con trai nhỏ.
Không ai muốn sổ truyền thống của nhà giàn DK1 thêm dòng ghi tên các liệt sĩ, nhưng để những ngọn lửa cháy mãi trên những mỏ dầu Đại Hùng, Bạch Hổ, Sư Tử Trắng; để những người thợ an toàn khi đưa dòng dầu đen lên từ lòng biển, những người lính DK1 đã, đang và sẽ lặng thầm cống hiến và sẵn sàng hi sinh.
Những giàn khoan chưa bao giờ ngưng lửa
Bảo vệ nhà giàn DK1 vững chắc, yên bình, không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của cán bộ chiến sĩ. Mặc cho khó khăn, vất vả, thiếu thốn bộn bề, mặc cho khí hậu khắc nghiệt, các anh vẫn lạc quan kiên cường trụ vững.
Ở “chân trời Tổ quốc” ấy, những người lính nhà giàn vừa phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, vừa căng thẳng theo dõi mục tiêu lạ thường xuyên xuất hiện, quấy nhiễu. Song có niềm vui và lý tưởng nào cao đẹp hơn, khi được canh thức cho biển yên bình, cho những giàn khoan không bao giờ ngưng lửa.
Rực sáng giàn khoan |
Trong niềm vui của những người lính thợ giàn khoan dầu khí kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, những người lính nhà giàn DK1 có quyền tự hào kiêu hãnh vì chính họ đã đồng hành, bảo vệ; là lá chắn thép vòng ngoài cho những ngọn lửa giàn khoan cháy mãi.
“Chúng tôi hiểu rằng, để những ngọn lửa giàn khoan rực sáng lửa hồng, để mỗi nhà giàn là một thế đứng Việt Nam giữa ngàn khơi, nhiều cán bộ chiến sĩ DK1 đã chấp nhận gian khổ và sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc”.
Chính sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ, đã tiếp cho thế hệ những người lính DK1 thêm sức mạnh niềm tin và kết nối những tấm lòng yêu Tổ quốc. Biển xanh mãi nhắc tên các anh, đồng bào và chiến sĩ cả nước không bao giờ quên các liệt sĩ nhà giàn DK1- những người đã ngã vào lòng biển mẹ cho những ngọn lửa giàn khoan không bao giờ tắt.