Chủ động trong chỉ đạo
Làm việc với tổ công tác liên ngành bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công an TP Hà Nội trong đợt kiểm tra thực tế tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại 20 huyện ngoại thành Hà Nội mới đây, lãnh đạo Phòng TN&MT Quốc Oai cho biết: Hàng năm, UBND Huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc hạn chế đốt rơm, rạ của các hộ dân tại các xã , thị trấn trên địa bàn huyện. Và, hàng tuần, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh về tác hại của việc đốt rơm rạ như: gây ô nhiễm môi trường không khí (phát thải lượng lớn khí CO2 , CO và NO ), gây hiện tượng khói mù làm cay mắt, hạn chế tầm nhìn của người và phương tiện tham gia giao thông.
Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Quốc Oai làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành vào sáng 16/6. |
Huyện đã tăng cường vận động các hộ dân thực hiện các biện pháp cổ truyền, làm dầm (cày ấp rạ) nhằm tăng cường hàm lượng mùn hữu cơ cải tạo đất và hạn chế đốt rơm, rạ hoặc sử dụng chế phẩm sinh học FITO - BIOMIX - RR để xử lý rơm, rạ tại ruộng. UBND các xã, thị trấn dã chỉ đạo lực lượng công an các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức tuần tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng lề đường để phơi, tuốt lúa, đốt rơm rạ làm mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Còn tại huyện Mê Linh, ngoài những văn bản chỉ đạo hàng năm, ngày 01/6/2020, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 166 / KH - UBND ngày 01/6/2020 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2020 và Tháng hành động vì môi trường năm 2020, trong đó có chỉ đạo về công tác xử lý tình trạng đốt rơm, rạ tại địa phương.
Trước đó, ngày 27/5, UBND huyện Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc đốt rơm rạ và hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ đến các đối tượng là Chủ tịch, Phó chủ tịch, cán bộ môi trường các xã, thị trấn; Giám đốc các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Trưởng các thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. UBND huyện giao Phòng Kinh tế phối hợp với Trạm Khuyến nông và UBND các xã, thị trấn tổ chức 12 lớp tập huấn về xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Trong khi đó, theo Kế hoạch số 136/KH - UBND ngày 27/5/2020 của UBND huyện Hoài Đức về hạn chế tiến tới không đốt rơm rạ năm 2020 trên địa bàn huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Kinh tế; Hội nông dân huyện thực hiện triển khai theo kế hoạch của huyện theo hướng chú trọng nâng cao nhận thức của người nông dân; cơ giới hóa nông nghiệp gắn với hiệu quả kinh tế, môi trường.
UBND các xã, thị trấn có nhiệm vụ chỉ đạo Đài truyền thanh xã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, vận động nhân dân không đốt rơm rạ; phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân, các cơ quan chuyên môn của huyện và hợp tác xã trên địa bàn để thực hiện các mô hình thí điểm; xử lý các trường hợp sử dụng lòng, lề đường để tập kết, tuốt lúa, đốt rơm rạ theo thẩm quyền; Thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về tình hình đốt rơm rạ về UBND huyện qua Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Sáng tạo trong cách xử lý
Nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tại các địa phương, khối lượng rơm, rạ phát sinh sau thu hoạch đã được xử lý gần như triệt để với nhiều phương pháp sáng tạo, hiệu quả. Theo thống kê của các địa phương, tình trạng đốt rơm, rạ đã thuyên giảm rất nhiều, có chăng chỉ tồn tại một số trường hợp đốt rơm, rạ mang tính nhỏ, lẻ, không xảy ra hậu quả lớn.
Tại các địa phương, khối lượng lớn rơm, rạ sau thu hoạch được dập ủ hoai mục tại ruộng |
Điển hình như ở huyện Hoài Đức, trước đây, 69% khối lượng rơm, rạ sau thu hoạch được đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường. Nhưng, từ cuối năm 2017, tình trạng này giảm dần, hiện nay, cơ bản không còn việc đốt rơm, rạ tại các tuyến trục đường chính của huyện. Hầu hết phế thải rơm, rạ được tận dụng làm phân bón tại ruộng.
Đối với huyện Sóc Sơn, hiện, khối lượng rơm, rạ phát sinh sau thu hoạch lúa vụ Xuân khoảng 57.000 tấn. Trong đó, khoảng 8.550 tấn rơm, rạ (chiếm 11%) được làm thức ăn gia súc; Khoảng 48.450 tấn (85 %) khối lượng rơm rạ phát sinh trong vụ được cày dập ủ hoai mục tại ruộng hoặc ủ thành phân trồng rau; Khối lượng còn lại được sử dụng vào mục đích khác như đun nấu, làm nấm, tiểu thủ công nghiệp (chổi và các sản phẩm từ rơm rạ khác). Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện cũng khẳng định, về cơ bản, tình trạng đốt rơm, rạ được hạn chế và rất ít khi xảy ra trên địa bàn.
Còn tại huyện Mê Linh, tổng lượng rơm rạ phát sinh vụ Xuân năm 2020 vào khoảng 21.625 tấn rơm, rạ. Sau khi thu hoạch rơm rạ trên địa bàn huyện được xử lý vào các mục đích khác nhau như: 10 % làm thức ăn cho gia súc, 10 % trồng nấm và bán; 5 % dùng để đun nấu, 5 % dùng để ủ luống cho rau màu, khoai tây; 40 % (để mục nát tự nhiên do hiện nay người dân sử dụng máy cắt lúa liên hoàn phụt rơm ngay tại ruộng), 30 % còn lại người dân đốt trên cánh đồng để lấy tro bón ruộng hoặc bán cho các vùng trồng rau.