Để đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Bài và ảnh: Phạm Hoài| 11/11/2022 16:37

(TN&MT) - Tỉnh Đắk Nông đã cùng phối hợp mở một số lớp dạy nghề phù hợp với đời sống và tập tục truyền thống của người đồng bào nơi vùng đất đầy nắng và gió như Tây Nguyên.

Chú trọng dạy nghề truyền thống

Từ xa xưa, nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với đời sống của người dân tộc thiểu số nơi vùng đất đại ngàn Tây Nguyên. Tuy vậy, do một số thay đổi trong quá trình sinh sống nên dần dần nghề dệt truyền thống ngày một mai một. Nhận thấy được điều này, Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, địa phương tích cực tuyên truyền rồi mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào ở các bon, buôn.

anh-1.-day-nghe-det-tho-cam.jpg
Người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã được hỗ trợ dạy nghề dệt thổ cẩm

Trao đổi với phóng viên, Chị HBình, ở bon NJriêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa hiện đang là Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm truyền thống của xã cho biết, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ dạy nghề đã đến tại bon, xã tổ chức 4 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Từ khi được dạy nghề, bà con trong bon rất thích và ngày càng có nhiều người biết dệt thổ cẩm. Hiện nay, trên địa bàn xã có cả 100 người biết dệt thổ cẩm.
Bà HDrơn, năm nay gần 70 tuổi ở xã Đắk Nia chia sẻ: “Ngày trước được các bà, các mẹ truyền nghề dệt, nay mình biết và thành thạo nghề thì truyền lại nghề cho con cháu. Nhờ được địa phương tổ chức, các bà, các mẹ nhiệt tình truyền nghề cho thế hệ trẻ để phát huy những giá trị tốt đẹp của nghề dệt thổ cẩm truyền thống”.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Vùng đất Đắk Nông được thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, khi hậu ôn hoà rất phù hợp để phát triển nông nghiệp. Tuy vậy, do ảnh hưởng của tập tục canh tác còn nhiều lạc hậu nên bao năm qua người đồng bào tại chỗ chưa phát huy được tối đa những tiền năng vốn có của vùng đất này.
Do đó, các Trung tâm dạy nghề của tỉnh và huyện đã mạnh dạn mở các lớp khuyến nông - khuyến ngư hỗ trợ các kiến thức cơ bản trong qúa trình sản xuất, thu hoạch cho người dân. “Bà con ở đây xưa nay cứ trồng cây rồi thu hoạch theo cách tự phát nên năng suất vì thế không đảm bảo, có khi làm cả năm không thu được lãi nếu giá cả nông sản xuống thấp như hiện nay. Từ khi các lớp dạy nghề được mở ra giúp nâng cao nhận thức về khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất nông nghiệp của bà con”. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Đắk Lấp chia sẻ.

anh-2.-nang-suat-cay-trong.jpg
Năng suất cây trồng của bà con dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến rất rõ nét

Cũng như nhiều hộ gia đình khác, gia đình anh Điểu BRơi (ở thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk RLấp) có 2.000 cây cà phê trồng đã 10 năm, những năm trước, chỉ thu khoảng 2 tấn nhân nhưng năm vừa rồi thu được trên 3 tấn nhân. Có được kết quả đó là do anh biết áp dụng kiến thức đã được học về làm cỏ, cào bồn, tỉa cành, bón phân, xịt thuốc, tưới nước hợp lý để tránh lãng phí và phù hợp với từng thời kỳ của cây trồng.
Anh Điểu BRơi còn áp dụng kiến thức từ học nghề vào chăm sóc 400 cây điều, biết trồng xen 200 cây hồ tiêu vào trong vườn cà phê để nâng cao hiệu quả trên một diện tích. Anh vui vẻ cho biết: “Bây giờ tôi đã thành thạo về kỹ thuật ươm giống, ghép chồi cho cây điều, cà phê và các cây ăn trái. Khi mình thành thạo các kỹ thuật trồng trọt thì hướng dẫn cho vợ để cùng làm tốt công việc chung của gia đình và chia sẻ với những hộ chưa được tiếp cận kỹ thuật bài bản để cùng sản xuất tốt hơn”.
Qua tìm hiểu, việc hỗ trợ dạy nghề và quan tâm đến quá trình ứng dụng vào thực tế để mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp đã phần nào giúp các hộ đồng bào tại chỗ ngày một ổn định đời sống và nâng cao điều kiện kinh tế. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, thời gian tới, các cấp, các ngành cần đa dạng công tác dạy nghề, chú trọng tư vấn, hỗ trợ, liên kết, kết nối, tạo đầu ra cho sản phẩm, giúp đồng bào có thêm điều kiện để phát triển sản xuất ổn định, bền vững hơn trong nhiều lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO