Trong những ngày vừa qua, hạn mặn khốc liệt đã khiến cho đất đai ở các địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng… bị nứt nẻ |
Gây nhiều thiệt hại
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, mùa khô năm 2019 - 2020 tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng xuất hiện sớm và ở mức gay gắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Lê Văn Sử, hiện tại, mực nước trên hệ thống kênh mương tiểu vùng II và III Bắc Cà Mau thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời đã xuống rất thấp, trữ lượng nước sụt giảm từ 50 - 70% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm trước khiến cho hơn 42.800 ha bị khô hạn.
Tính đến cuối tháng 02/2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại, trong đó có hơn 5.500 ha bị thiệt hại từ 30 đến 70%; thiệt hại trên 70% với hơn 12.500 ha; 3,6 ha rau màu bị thiệt hại. Cùng với đó, hàng chục ngàn hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Tại tỉnh Sóc Trăng, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đến hơn 2.000 ha lúa Đông Xuân muộn ở các huyện Long Phú, Trần Đề. Không chỉ thế, ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch Vệ sinh Môi trường Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với trên 26.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Tình hình khô hạn không chỉ gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt mà còn gây ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún đất rất nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL. Điển hình như tại tỉnh Cà Mau trong những ngày vừa qua đã xảy ra tới 912 điểm sạt lở, sụt lún các tuyến lộ giao thông với tổng chiều dài gần 22km, gây thiệt hại hàng tỉ đồng.
Không chỉ ở tỉnh Cà Mau mà các địa phương như: Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng cũng liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở bờ sông. Mới đây nhất là vào sáng 7/3/2020, tại khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ đã xảy ra một vụ sạt lở bờ sông Cần Thơ với chiều dài gần 30m, sâu 2m đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 5 căn nhà của người dân.
Ngoài ra, tình trạng khô hạn kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay còn làm cho nhiều diện tích rừng ở khu vực ĐBSCL nằm trong tình trạng báo động. Đặc biệt trong 2 ngày (từ ngày 3 đến ngày 4/3/2020) đã xảy ra một vụ cháy rừng tại khu vực núi Cấm, ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang gây thiệt hại cho khoảng 6 ha rừng.
Chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Ông Lê Văn Sử |
“Từ năm 2016 đến nay, đã có 2 đợt hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản suất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau và điều này cho thấy thời tiết cực đoan có thể lặp lại thường xuyên hơn trong thời gian tới. Vì vậy, tỉnh Cà Mau bên cạnh việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại về cây trồng, sạt lở, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân thì tỉnh cũng nghiên cứu biện pháp lâu dài để thích ứng với biến đổi khí hậu, như chuyển đổi sản xuất một vụ lúa - một vụ tôm cho một phần diện tích vùng ngọt hoá. Giải pháp này vẫn giữ được hệ sinh thái đặc biệt của rừng tràm Vườn Quốc gia U Minh Hạ; đồng thời, khắc phục được sụt lún, sạt lở vùng sản xuất nông nghiệp thuộc Tiểu vùng II, Bắc Cà Mau” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử.
Quyết liệt vào cuộc
Theo thống kê sơ bộ đến ngày 13/02/2020 của Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đã làm cho gần 29.700 ha lúa Mùa 2019 và lúa Đông Xuân 2019-2020 của người dân tại các địa phương vùng ĐBSCL bị thiệt hại, bằng 7,3% so với tổng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2015-2016 là 405.000 ha); khoảng 79.700 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ thông tin, nhờ đúc kết được bài học từ đợt hạn, mặn năm 2016 nên năm 2020, tuy hạn mặn gay gắt hơn, nhưng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đã được hạn chế vì các địa phương vùng ĐBSCL nghe cảnh báo của chuyên gia, ngành nông nghiệp, tận dụng mực nước lũ thấp, xuống giống vụ Đông Xuân sớm hơn mọi năm, sử dụng giống lúa ngắn ngày nên kịp thu hoạch.
Đối với các vườn cây, ruộng, rẫy; PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, bà con đã biết cách be gốc, nạo vét kênh mương trữ nước, dùng vật liệu phủ nên thiệt hại không đáng kể. Cùng với đó, nhiều nơi đã biết trữ nước vào cuối mùa mưa ở kênh, mương, ao, đìa, lu, khạp, nên còn giữ được nước ngọt để đối phó cho những tháng hạn tới.
Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, năm 2020 là năm cựu đoan nên hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra rất gay gắt. Đối với năm cực đoan thì ứng phó theo tình huống và việc này đã được ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện rất tốt trong thời gian qua. Cụ thể, từ ngày 19/6/2019 đến nay, ngành Nông nghiệp liên tục cảnh báo và vào cuộc chỉ đạo quyết liệt các địa phương từ đó đã giảm được nhiều thiệt hại.
Minh chứng cho điều này là tại tỉnh Hậu Giang, tuy tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp, có thời điểm độ mặn đạt đến 18,6‰. Thế nhưng theo ông Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, từ cuối năm 2019 đến nay, với sự chủ động thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình của ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở, đến nay xâm nhập mặn chưa gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Tương tự, ông Phạm Tấn đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, bằng thời điểm này của đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng 24.000 ha lúa của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 chỉ có khoảng 2.000 ha lúa của người dân là có thể bị ảnh hưởng.
Cũng theo ông Phạm Tấn Đạo, để có được kết quả này là do tỉnh Sóc Trăng đã chủ động thực hiện các giải pháp như thay đổi lịch thời vụ để né hạn, mặn; khuyến cáo người dân giảm diện tích xuống giống sản xuất lúa vụ 3; đầu tư, nâng cấp, nạo vét hệ thống kênh mương tích trữ nước; nâng cao năng lực quan trắc độ mặn kịp thời cảnh báo người dân.
Do thiếu nước, nhiều hộ nông dân vùng ĐBSCL đang lo lắng vì có nguy cơ bị mất trắng vụ lúa Đông Xuân muộn này |
Chuyển đổi thích nghi
Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và công tác khắc phục, phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, vùng trữ ngọt của tỉnh Cà Mau phổ biến đang canh tác 2 vụ lúa một vụ màu. Vụ màu cũng phải dùng nước, còn vụ lúa trong mùa khô phải bơm toàn bộ lượng nước tích trữ trong kênh mương lên.
“Đây là lượng nước dự trữ, nếu không dùng cho sản xuất sẽ có nước ngọt đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân. Vì vậy, giải pháp đối với tỉnh Cà Mau là giãn vụ hoặc chuyển đổi qua cây trồng khác đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân trong mùa hạn hán” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho biết, đối với các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng…, mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nước, song ít nhiều cũng được bổ sung từ thượng nguồn, nhưng đối với tỉnh Cà Mau thì dường như không có.
“Vì vậy, tỉnh Cà Mau nên tranh thủ trữ nước mưa ở những khu vực trữ nước, ưu tiên phục vụ cho sinh hoạt. Đồng thời, tỉnh Cà Mau cũng nên chuyển hẳn qua nuôi trồng các loài nước lợ, nước mặn, việc sản xuất lúa nếu như còn tiếp tục làm thì cứ thiệt hại hoài” - PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung nêu giải pháp.
Trao đổi với phóng viên, TS. Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại Học Cần Thơ cho rằng, Nghị Quyết 120 của Chính Phủ đã cởi trói cho vùng ĐBSCL một cách tích cực và cho phép ĐBSCL uyển chuyển ứng phó tuỳ theo tình huống ở mỗi địa phương. Đối với những vùng không thể đưa nước ngọt từ sông Hậu xuống tới được thì phải chọn phương án canh tác đan xen giữa mặn và ngọt và phải chấp nhận bớt thâm canh nông nghiệp đi để giảm thiểu rủi ro.
Mặc dù, Cần Thơ là địa phương ít chịu ảnh hưởng của hạn, mặn, song theo dự báo trong những ngày tới hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn diễn ra gay gắt hơn tại vùng ĐBSCL. Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ vừa chỉ đạo các Sở, ngành cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn, mặn; thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn hiệu quả cho những tháng còn lại của mùa khô năm 2020.
Còn về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Thanh Dũng cũng đề nghị các Sở, ngành địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; chuyển đổi mùa vụ; chọn những giống thủy sản, lúa, cây ăn trái, rau màu thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, xây dựng mạng lưới chia sẻ dữ liệu, số liệu thủy văn, chất lượng nước, độ mặn giữa các Sở, ngành địa phương và với các tỉnh vùng ĐBSCL.
Giữ vững tinh thần thực hiện theo Nghị quyết 120
Ông Nguyễn Hữu Thiện |
“Hạn hán, xâm nhập mặn trong những ngày vừa qua chỉ là ngắn hạn. Vì vậy, không nên kết luận rằng với tình hình này từ nay đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ thiếu nước. Đây chỉ là cực đoan gây ra, mà cực đoan nó không may đã xảy ra năm 2016 và năm 2020 lại xảy ra lần nữa. Đối với những năm cực đoan thì chúng ta phải ứng xử tình huống, nhưng về lâu về dài cũng phải giữ vững tinh thần theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi chiến lược lâu dài thì phải dựa trên những năm tiêu cực, cực đoan. Do đó, các địa phương vùng ĐBSCL cứ vững tâm bám sát theo Nghị quyết 120, đừng thấy hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt như những ngày qua mà dao động, không nên bi đát quá vấn đề” - Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL.
Phải tính đến hiệu quả kinh tế của nguồn nước
Ông Nguyễn Hiếu Trung |
“Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, các cơ quan, đơn vị chức năng cần xem lại cách quản lý, sử dụng nước một cách tối ưu nhất. Khi nguồn nước đã ít rồi thì chúng ta phải tính đến hiệu quả kinh tế, có nghĩa là năng xuất của 1m3 nước thì sản xuất ra được bao nhiêu tấn gạo, bao nhiêu kg tôm, cá. Từ đó, chúng ta nghiên cứu tìm giải pháp kỹ thuật nhằm giảm lượng nước trên 1 tấn sản phẩm, đây là giải pháp cần phải tính đến. Cùng với đó, ĐBSCL cần chủ động né vụ, sử dụng các biện pháp tiết kiện nước, trữ nước và trong tương lai, việc này cũng cẩn phải chủ động, đừng quá trông chờ vào việc xả nước ở phía trên thượng nguồn sông Mê Công” - PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ.