ĐBSCL: Linh động chọn giải pháp ứng phó với sạt lở

09/07/2018 13:45

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, khiến cho tình trạng sạt lở đất bờ biển, bờ sông, kênh rạch diễn ra ngày càng gay gắt. Các vụ sạt lở đã và đang gây ra nhiều thiệt hại về đất, hoa màu, nhà cửa, công trình giao thông,... ở hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

SAT1
Các vụ sạt lở đất bờ sông, rạch vùng ĐBSCL ngày càng phức tạp, khó lường

Sạt lở bủa vây

Ở tỉnh Hậu Giang, tính đến cuối tháng 6/2018 đã xảy ra 15 điểm sạt lở đất bờ sông ở các huyện, thị gây hư hại nhà cửa, hoa màu của hơn 30 hộ dân, tổng mức thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Mới đây nhất là vào rạng sáng ngày 5/7/2018 tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành lại xảy ra một vụ sạt lở đất bờ sông Mái Dầm với chiều dài khoảng 20m, ăn sâu vào bờ 6m, ước thiệt hại ban đầu 100 triệu đồng. Không chỉ thế, ảnh hưởng từ dư chấn của vụ sạt lở này mà tại khu vực kế cận đã xuất hiện một vết nứt chiều dài khoảng 70m đang có nguy cơ đổ ụp xuống sông. Hiện tại, các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, UBND huyện Châu Thành... đang khẩn trương hỗ trợ 11 hộ bị trong nằm trong khu vực bị ảnh hưởng di dời đồ đạc, tháo dỡ các hạng mục không cần thiết một số căn nhà để giảm tải tác động lên nền đất gây sạt lở.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn các huyện, Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển… đã xảy ra 22 vụ sạt lở với tổng chiều dài gần 600m, trong đó chỉ tính riêng tháng 5/2018 xảy ra tới 20 vụ, ước tổng thiệt hại hơn 1,3 tỉ đồng. Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết, với thời tiết ngày càng khó lường như thế này thì từ nay đến cuối năm 2018 tình trạng sạt lở đất ven sông, biển  trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ còn tiếp diễn. Báo cáo từ cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cho thấy, hiện trên địa bàn huyện Đầm Dơi có 4 điểm thường xuyên xảy ra sạt lở, với chiều dài 1.120m; huyện Năm Căn có 10 điểm sạt lở, chiều dài 10.550m; huyện Ngọc Hiển hiện có 13 vị trí nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 26.000m...

Là địa phương xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất, ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển cho rằng, tình hình sạt lở đất ven sông trên địa bàn trong mùa mưa đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn tài sản của người dân. Vào ngày 13/6/2018 trên địa bàn xã Đất Mũi xảy ra một vụ sạt lở đất làm cho 3 cửa hàng điện máy, tiêu dùng của hộ kinh doanh bị nhấn chìm xuống sông, thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng. 

Tại TP.Cần Thơ, trong 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 9 điểm sạt lở đất bờ sông, với tổng chiều dài ảnh hưởng trên 350m, ước tổng thiệt hại khoảng 31 tỉ đồng. Theo Ban chỉ huy PCTT – TKCN TP.Cần Thơ, nếu như năm 2011, trên địa bàn Thành phố chỉ có 24 điểm sạt lở thì đến năm 2018, số điểm sạt lở tăng lên hơn 100, với tổng chiều dài khoảng 56km.

Trong vài năm trở lại đây, dường như năm nào trên địa bàn quận Ô Môn cũng xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Điển hình là vào những ngày đầu tháng 5/2018. tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An đã liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở đất bờ sông Ô Môn, khiến hơn chục căn nhà bị đổ ụp xuống sông và gần 20 căn nhà kế cận bị ảnh hưởng.

SAT2
Xây dựng nhà cặp các với các tuyến sông dễ bị thiệt hại khi xảy ra sạt lở đất

Ưu tiên các giải pháp mền

Trước tình trạng sạt lở đất bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL diễn ra ngày một gay gắt, tại Hội nghị trực tuyến trực tuyến Sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 với các địa phương trong cả nước diễn ra vào đầu tháng 7/2018, Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỉ đồng cho vùng ĐBSCL xử lý cấp bách tình hình sạt lở. Cùng vào thời điểm này các Bộ, ngành chức năng cũng công bố bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL giúp các địa phương chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó với tình hình sạt lở.

TS. Lê Anh Tuấn, Trường Đại Học Cần Thơ cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc hỗ trợ kinh phí, công bố bản đồ sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ giúp cho các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện có hiệu quả các giải pháp ứng phó với sạt lở đất. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều xảy ra sạt lở đất và địa phương nào cũng cần vốn để đầu tư công trình ứng phó. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí 1.500 tỉ đồng này, nếu chia đều cho các tỉnh, thành thì không là bao so với như cầu nguồn vốn cần đầu tư cho các công trình. Do vậy, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phải tính toán kỹ lưỡng và chọn những phương án tối ưu để sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ.

Cần phải nhìn nhận rằng, việc phòng chống sạt lở bằng các công trình đê kè kiên cố hiện nay hiệu quả chưa cao và tốn rất nhiều kinh phí. Ví dụ như ở tại An Giang, để cứu 4,3km bờ sông sạt lở bằng dự án chỉnh trị dòng chảy tuyến sông Hậu cần nguồn kinh phí lên đến 2.400 tỉ đồng; tại TP. Cần Thơ để thực hiện được dự án kè chống sạt lở cặp với sông Ô Môn, với chiều dài gần 4km phải cần nguồn kinh phí khoảng 450 tỉ đồng...

Tại những khu vực xung yếu, việc xây dựng bờ kè kiên cố để bảo vệ đất, các khu, tuyến dân cư ven sông là điều cần thiết, nhưng các chuyên gia khuyến cáo, các địa phương phải linh động lồng ghép triển khai các công trình mềm như trồng rừng tạo bãi bồi chống xói lở đất.... "Tại những khu vực có nguy cơ sạt lở, cần chọn giải án trồng cây để giữ đất, đối với những đoạn bị sạt lở mất đất, gây hư hại đến hạ tầng giao thông, các địa phương không nên đầu tư bờ kè kiên cố để khắc phục sạt lở kết hợp làm lộ giao thông mà chọn phương án tạo một tuyến đường mới né khu vực sạt lở..."- TS. Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
 

DSC 0630
Sạt lở tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang 

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần quản lý chặt chẽ việc cấp phép, xây dựng nhà kiên cố; hạn chế hình thành các khu, tuyến dân cư ven sông. Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng, việc hình thành các khu dân cư đông đúc ven sông, rạch tạo áp lực lên nền đất, đây là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở trong thời gian vừa qua. Vì vậy, “Các cơ quan chức năng của địa phương phải chấm dứt cấp phép cho xây dựng nhà cửa trên sông, nếu để xảy ra tình trạng này, địa phương đó phải chịu trách nhiệm...."- Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Võ Thành Thống cho biết.

Ngoài ra, công tác tuyên tuyền cần được các địa phương đẩy mạnh để thay đổi thói quen của người dân vùng ĐBSCL khi đầu tư xây dựng nhà kiên cố cặp các với các tuyến sông, rạch để làm ăn, sinh sống để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản,... từ các vụ sạt lở đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Linh động chọn giải pháp ứng phó với sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO