ĐBSCL: Gồng mình chống hạn, mặn

Lê Hùng| 17/02/2020 14:03

(TN&MT) - Từ đầu tháng 02/2020 đến nay, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang phải gồng mình chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Mực nước trên các sông, rạch vùng ĐBSCL đang xuống thấp

Hàng ngàn hecta lúa, cây trái bị ảnh hưởng do hạn, mặn

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, trong những ngày đầu tháng 02/2020, lượng nước từ sông Mê Công đổ về vùng hạ lưu thấp hơn mức trung bình nhiều năm trước. Đồng thời, ngay vào thời điểm này triều cường rằm tháng Giêng âm lịch liên tục tăng đã làm cho độ mặn trên các sông lên cao, có nơi đo được giao động từ 18 đến 24‰.

Thêm vào đó, nắng nóng tại khu vực ĐBSCL vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm cho mực nước tại các kênh, rạch tiếp tục xuống thấp khiến cho hàng ngàn hecta lúa Đông Xuân tại các địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang lâm vào cảnh thiếu nước, tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt đã và đang diễn ra tại một số nơi.

Ghi nhận của phóng viên tại huyện Phước Long (Bạc Liêu), trong những ngày vừa qua nông dân đã gieo sạ được hơn 13.700 hecta lúa Đông Xuân muộn. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các kênh thủy lợi nội đồng đã bị cạn nước, còn ở các kênh cấp 2, cấp 3 mực nước cũng đang tiếp tục xuống thấp khiến cho khoảng 2.200 ha lúa Đông Xuân muộn trên địa bàn huyện Phước Long có nguy cơ bị ảnh hưởng vì thiếu nước.

Còn tại TX. Giá Rai (Bạc Liêu), do tình trạng thiếu nguồn nước, nên gần 500 hecta vụ lúa Đông Xuân không thể xuống giống được. Để bảo vệ cho diện tích lúa đã gieo trồng mới hơn 20 ngày tuổi, nhiều hộ nông dân và chính quyền địa phương phải dùng máy bơm chuyền nước dẫn vào ruộng để cứu lúa. 

Tại tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi- Sở NN&PTNT cho biết, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất đã xảy ra gay gắt trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ tháng 01/2020 khiến cho gần 17.000 hecta lúa và hơn 3.400 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Không chỉ vậy, do tình trạng khô hạn, hiện nay có hơn 42.000 hecta rừng tập trung ở các xã Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Thuận, Nguyễn Phích thuộc huyện U Minh đối diện với nguy cơ cháy, trong đó có hơn 3.000 hecha rừng dự báo cấp cháy cực kỳ nguy hiểm. 

Đối với tỉnh Sóc Trăng, gần một tháng nay, nhiều hộ nông dân ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú đứng ngồi không yên khi các ruộng lúa đang dần bị khô héo do thiếu nước và mặn xâm nhập. Theo ông Thạch Hiền, ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú cho phóng viên biết: “Cách nay khoảng nữa tháng, hơn 03 công lúa của gia đình ông còn xanh mơn mởn, ấy vậy mà nay đã chuyển dần qua màu vàng, cứ đà này gia đình tôi sẽ thất thu vụ lúa Đông Xuân muộn này”.

Thông tin với phóng viên, ông Trần Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú, huyện Long Phú cho rằng: “Dù chính quyền đã tuyên truyền, khuyến cáo không nên gieo xạ vụ Đông Xuân muộn, nhưng người dân vẫn gieo xạ với tổng diện tích hơn 238ha và hiện nhiều diện tích lúa mới hơn 20 ngày tuổi đang đối diện nguy cơ mất trắng vì thiếu nước, mặn xâm nhập”.

Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thông tin: Trong vụ lúa Đông Xuân muộn năm nay trên địa bàn huyện xuống giống khoảng 3.700ha, giảm trên 11.000 hecta so với năm 2019. Đến nay đã có hàng trăm hecta lúa của người dân bị ảnh hưởng do hạn, mặn và trong thời gian tới diện tích bị ảnh hưởng sẽ còn tiếp tục tăng.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT ngày 10/02/2020, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, nếu tình hình hạn, mặn tiếp tục kéo dài trong nhửng ngày tới thì có khoảng 600ha lúa Đông Xuân muộn ( lúa vụ 3) và 4.000 hecta cây ăn trái, 1.000 hecta rau màu của người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng.

Theo ghi nhận của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, do đã chủ động xuống giống để né hạn, mặn, nên phần lớn diện tích lúa Đông Xuân của người dân đã được thu hoạch xong. Tuy nhiên, hiện nay ngồn nước sinh hoạt của nhiều hộ dân ở huyện Long Mỹ, TP. Vị Thanh đang bị ảnh hưởng do độ mặn trên các tiếp tục tăng cao, có nơi lên đến 18.4‰.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến ngày 11/02/2020, triều cường từ biển Tây lên cao làm vỡ 4 đập cải tiến ở một số xã huyện Long Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hàng chục hecta lúa Đông Xuân muộn của người dân đang trong giai đoạn làm đòng đến chuẩn bị trổ bông do thiếu nước ngọt bổ sung.

Nhiều người dân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng phải dùng nilon trữ nước phục vụ sản xuất. 

Chủ động ứng phó hạn, mặn

Sáng 17/02, trao đổi với phóng viên, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: trước diễn biến của xâm nhập mặn trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống hạn, mặn sát với tình hình thực tế. 

Cùng với đó, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thống kê, hỗ trợ không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt; xác định các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để triển khai giải pháp nhằm trữ ngọt, ứng phó với xâm nhập mặn; đưa các trạm đo mặn tự động vào hoạt động để cung cấp thông tin độ mặn cho người dân biết ứng phó giảm bớt thiệt hại. 

Đối với tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Văn Hiểu cho biết, rút kinh nghiệm từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô 2015 - 2016, tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường công tác dự báo, quan trắc môi trường; vận hành đóng, mở các cống không để mặn xâm nhập nội đồng; tích trữ nước đảm bảo sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, công tác phòng chống hạn, mặn đang được các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt. Cụ thể, Ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo mở cống Giá Rai, cống Hộ Phòng để kéo nước mặn tại ngã tư Ninh Quới về hướng Phước Long, kết hợp xả nước mặn bị ô nhiễm để hạn chế mặn xâm nhập qua ngã tư Ninh Quới. 

Ngành chức năng huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đang vận hành các cống đưa nước về kênh mương đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân

Cạnh đó, phối hợp với TX. Ngã Năm (Sóc Trăng) mở cống Năm Kiệu, Cống Đá để lấy nước ngọt về Bạc Liêu. Song song với việc chủ động kiểm soát nguồn nước thông qua việc vận hành các cống để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, Ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cũng khuyến cáo nông dân gia cố bờ bao để giữ nước, bơm trữ nước ngọt lên ruộng khi độ mặn xuống thấp, áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm.

Tại TP. Cần Thơ, độ mặn 3,5‰ đã xâm nhập đến rạch Cái Cui  (phường Tân Phú, quận Cái Răng). Trước tình trạng, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết UBND TP. Cần Thơ đã đề nghị các Sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức đo, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn; vận hành linh hoạt hệ thống thủy lợi Ô Môn- Xà No và tuyến đê bao ở huyện Phong Điền đảm bảo không để mặn xâm nhập và cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau cho biết: Năm nay hạn hán khắc nghiệt, hiện hơn 8.500ha rừng của đơn vị đều ở mức báo cháy cấp III. Để phòng ngừa cháy rừng, Vườn Quốc gia đang phối hợp với các lực lượng liên quan triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy. 

Ông Lê Thanh Dũng thông tin thêm: “Vườn quốc gia U Minh Hạ đã bố trí các tổ máy bơm xuống địa bàn trọng điểm, các chốt trạm tiến hành trực canh lửa 24/24. Hằng ngày, lực lượng của đơn vị cũng tiến hành tăng cường tuần tra kiểm soát ở những khu vực trọng điểm ngăn chặn hành vi vào rừng bắt ong, rất dễ gây cháy rừng”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Gồng mình chống hạn, mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO