ĐBQH Nguyễn Thị Yến: Nên lấy ý kiến rộng rãi thì chất lượng xây dựng Luật mới hiệu quả
(TN&MT) - Tham gia phát biểu tại phiên họp Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Yến – (ĐBQH đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng các dự án Luật như sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cũng nên lấy ý kiến rộng rãi (như Luật Đất đai (Sửa đổi)) thì chất lượng, hiệu quả hơn, sát với tình hình thực tiễn hơn.
Phát biểu điều hành tại phiên họp Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự kiến chương trình xây dựng luật lần này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị từ sớm và rất kỹ lưỡng trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, điểm khác biệt so với các năm trước là dự kiến chương trình được các cơ quan đề xuất đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, số lượng dự án đề nghị tương đối lớn, đặc biệt, đại biểu Nguyễn Anh Trí trình đề xuất xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. Ngoài ra, trong tờ trình cũng có nội dung đánh giá về công tác xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Đây là phiên thảo luận đầu tiên thực hiện theo Nội quy Kỳ họp mới. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề trọng tâm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã nêu, và cho ý kiến trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Cần gửi các dự án luật cũng như luật sửa đổi sớm cho các ĐBQH
Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Yến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Đại biểu Yến cũng tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng chương trình xây dwjg luật, pháp lệnh được chặt chẽ hơn nữa.
Theo đại biểu Yến, quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật, trong đó cho ý kiến lần đầu thì không lấy ý kiến các Đoàn đại biểu cũng như lấy ý kiến đại biểu Quốc hội mà chỉ tổ chức các hội nghị, tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia và mời các đại biểu Quốc hội cùng tham dự, có đại biểu Quốc hội thì được mời tham gia phát biểu, có đại biểu Quốc hội thì chỉ đến nghe và nắm tình hình.
Đại biểu cho rằng, luật do Quốc hội thông qua ban hành mà không lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hoặc các đoàn đại biểu Quốc hội, ngay từ lúc đầu thì đây là một vấn đề cũng cần phải xem xét và đại biểu Quốc hội là những người đại diện cho cử tri, lắng nghe ý kiến cử tri, gần gũi với cử tri thì nắm bắt được tình hình pháp luật thực hiện có đi vào cuộc sống hay không hay còn khó khăn, vướng mắc gì đó thì những người đại biểu này đều nắm hết.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin kiến nghị là các dự án luật, đề nghị Ban soạn thảo cũng nên gửi lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, xem xét khi tham dự các buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị để cùng tham gia góp ý kiến. “Có như vậy, khi luật sửa đổi sẽ thông qua sẽ thuận lợi hơn, đảm bảo khách quan hơn, chất lượng, hiệu quả hơn, khi ban hành thì luật sẽ đi vào cuộc sống.” – Đại biểu Yến nói.
Đại biểu Yến cũng thống nhất với các đại biểu quốc hội khác rằng, nên gửi các dự án luật cũng như luật sửa đổi sớm cho các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn, tham gia phát biểu ý kiến cho có chất lượng. Theo đại biểu Yến, vì gửi các dự án luật cũng như luật sửa đổi muộn , do đó các Đoàn đại biểu, cũng như đại biểu không có thời gian để nghiên cứu sâu; không nghiên cứu sâu thì không tham gia phát biểu đạt được những yêu cầu mà Quốc hội cũng như trong đời sống đặt ra, luật sẽ không đảm bảo về chất lượng.
Về việc lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng bị tác động. Đại biểu Yến cho biết, “Vừa rồi, tôi thấy Luật Đất đai có lấy ý kiến các đối tượng bị tác động rất tốt, nhiều ý kiến cả triệu lượt nhân dân tham gia rất hay, rất tốt. Tôi đề nghị các luật sau này sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cũng nên lấy ý kiến rộng rãi như thế thì chất lượng, hiệu quả hơn, sát với tình hình thực tiễn hơn.”
Tích cực, chủ động trong việc lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – (Đoàn ĐQBH tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ cơ bản nhất trí với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế xuất phát từ bối cảnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay có một số yếu tố đặc thù tác động lớn đến công tác lập và thực hiện chương trình. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, dành nhiều sự quan tâm hơn cho công tác xây dựng thể chế và có nhiều đề xuất thiết thực trong việc đề nghị xây dựng luật pháp lệnh Nghị quyết của Quốc hội để kịp thời đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.
Cùng với đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp, chú trọng chất lượng, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn trong việc xem xét, đề nghị thẩm tra cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý thông qua các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết. Đồng thời đã chủ động, tích cực đồng hành cùng Chính phủ, các bộ ngành trong việc thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15, phối hợp xác định các vấn đề cấp bách thực tiễn đòi hỏi để đề xuất yêu cầu các cơ quan nghiên cứu lập đề nghị xây dựng luật đưa vào chương trình.
Về đề nghị xây dựng Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Xuân bày tỏ nhất trí cao với một số quan điểm, định hướng cơ bản, đồng thời tán thành với việc điều chỉnh chương trình năm 2023 và dự kiến chương trình năm 2024. Theo đại biểu, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức khác đã thích ứng linh hoạt với tình hình vượt qua khó khó khăn, tích cực, chủ động trong công tác lập và thực hiện Chương trình cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục phát huy các kết quả này, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật cần được chuẩn bị từ sớm, từ xa các chính sách được đề xuất phải nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội Đảng, các nghị quyết kết luận, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, những chính sách này cần được bảo đảm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm được tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Xem xét sửa đổi các quy định về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm
Cơ bản đồng tình với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Thạch Phước Bình – (Đoàn ĐBQH Trà Vinh) cho rằng, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bao gồm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Tuy nhiên, quy định như vậy chưa mang tính khả thi trong thực tế, do tính dự báo của các cơ quan xây dựng chương trình chưa cao, chưa sát thực tiễn, mà chỉ đề xuất dựa trên yếu tố chủ quan, trong khi đời sống xã hội thay đổi nhanh chóng.
Đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi các quy định về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, sửa đổi các quy định về lập, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, song song với đó, xem xét thay Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm bằng dự kiến Chương trình Kỳ họp Quốc hội.
Cụ thể, đối với các dự án Luật, Chính phủ, các cơ quan tổ chức, đại biểu Quốc hội, căn cứ vào tình hình soạn thảo, chuẩn bị các dự án luật, bao gồm cả các Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, các hồ sơ, tài liệu gửi Ủy ban Pháp luật, chưa cần trình các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra sơ bộ hồ sơ, quy trình, thủ tục soạn thảo theo quy định, chưa thẩm tra nội dung.
Trên cơ sở hồ sơ dự án luật, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp, đưa vào dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp Quốc hội. Dự kiến chương trình Kỳ họp sau sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp trước.