Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô được thành lập vào năm 2006, có diện tích 27.108ha, nằm trên địa bàn các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô của huyện Phú Lộc, giáp ranh với TP. Đà Nẵng. Những năm gần đây, KKT Chân Mây - Lăng Cô trở thành một “đại công trường” đúng nghĩa, khi nhiều dự án, công trình lớn được đầu tư, khởi công xây dựng.
KKT Chân Mây – Lăng Cô đang thu hút nhiều dự án lớn |
Ông Nguyễn Duy Hưng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế (đơn vị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây) khẳng định, công ty luôn tích cực, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư của các cấp chính quyền, các tổ chức, trong và ngoài nước. Riêng trong giai đoạn 2019 - 2021, công ty thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp thuê nhà xưởng, thuê đất và ký kết hợp đồng thuê nhà xưởng, thuê đất với tổng vốn đăng ký đầu tư 48 triệu USD và 63 tỷ đồng Việt Nam, diện tích đất thuê là 27,10ha. Đến nay, công ty đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích hơn 118ha và tổng tiền đã chi trả là 90,27 tỷ đồng.
Riêng năm 2020 mặc dầu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên công ty đã đàm phán với 7 nhà đầu tư có tên tuổi của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ cao và công nghệ mới, các nhà đầu tư sẵn sàng ký kết thỏa thuận với công ty thuê đất để triển khai thực hiện các dự án.
Theo ông Hưng, mặc dù công ty đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc bàn giao mặt bằng kéo dài; ảnh hưởng đến tiến độ.
KKT Chân Mây – Lăng Cô đang tạo việc làm cho hàng ngàn công nhân |
Một số dự án như Khu liên hiệp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam; Nhà máy Nakamoto Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong đó, liên quan đến giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất; bồi thường giải phóng mặt bằng…
“Để thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ triền khai dự án xây dựng hạ tầng tại Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; đồng thời sớm có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thứ cấp và nâng cao công tác thu hút đầu tư nước ngoài vào, mong tỉnh và các sở ban, ngành chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng; giải quyết những phản hồi của nhà đầu tư thứ cấp. Mong muốn của các nhà đầu tư là làm sao được nhận mặt bằng đúng tiến độ”, ông Hưng nói.
Giám đốc Ban Quản lý Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh – Lê Văn Tuệ cho biết, để đáp ứng tiêu chí phát triển Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đảm bảo phát triển bền vững, lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm song song với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, đến nay trên địa bàn Khu kinh tế đang triển khai thi công xây dựng Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho các dự án. Đồng thời, dành nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư có thể vào là xây dựng nhà xưởng và hoạt động ngay.
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra các dự án tại KKT |
Tại buổi kiểm tra và làm việc tại KKT Chân Mây – Lăng Cô vào cuối tháng 3 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy - Lê Trường Lưu chỉ đạo, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan tập trung để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư. Nếu khó khăn, cần tổ chức thêm lực lượng tham gia giải phóng mặt bằng; cần thiết thì triệu tập thêm nhân lực có chuyên môn để cùng phối hợp thực hiện.
Bên cạnh đó, cần huy động tổ công tác dân vận, có thể là Mặt trận, Ban Dân vận Huyện ủy cùng với lực lượng khác gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, giải quyết những thắc mắc của người dân. Các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các chủ đầu tư để giải quyết khó khăn, vướng mắc theo từng giai đoạn một, thời gian cụ thể.
“Ngoài giải quyết những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì vấn đề thủ tục hành chính cũng phải được quan tâm triển khai nhanh nhất, thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, kể cả vấn đề thuế, cần rút ngắn thời gian. Phát huy hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông để tránh mất thời gian của chủ đầu tư. Các nhà đầu tư cũng cần tính toán để triển khai xây dựng các thiết chế đô thị, phục vụ các chuyên gia và người lao động đến làm việc tại các công ty, nhà máy trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Các thủ tục đấu giá mỏ đất để san lấp mặt bằng cũng phải tính toán sao cho thật nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư”, ông Lưu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lưu, việc phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, chính quyền và doanh nghiệp để có nguồn lao động chất lượng cao thời gian qua chưa tốt. Do vậy, cần làm tốt hơn, đào tạo, dạy nghề trên cơ sở nhu cầu sử dụng lao động trực tiếp của doanh nghiệp. Tất cả các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phải thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư trong giải phóng, bàn giao mặt bằng và có báo cáo tiến độ theo quy định. Tinh thần đặt ra là luôn đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư tối đa...