Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Thanh Lâm – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Việc đẩy mạnh và nâng cao công tác truyền thông về môi trường không khói thuốc có vai trò rất lớn trong việc nhân rộng mô hình không khói thuốc và nâng cao ý thúc của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định pháp luật về môi trường không khói thuốc.
Ông Võ Thanh Lâm – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc |
Theo ông Võ Thanh Lâm, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hội thảo hôm nay với các nội dung thông tin chính về mô hình và kết quả thực hiện môi trường không khói thuốc tại các địa điểm công cộng như: địa điểm giao thông, nhà hàng, khách sạn, địa điểm du lịch và bệnh viện...
Ông Võ Thanh Lâm hy vọng qua hội thảo này, các phóng viên, biên tập viên; các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích về thực hiện môi truờng không khói thuốc. Qua đó, các phóng viên, biên tập viên sẽ có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng hơn nữa để thông điệp về thực hiện môi trường sống không khói thuốc được lan tỏa mạnh mẽ.
Ông Hồ Quí Vinh – Trưởng bến xe buýt Sài Gòn, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng phát biểu |
Tại hội thảo, ông Hồ Quí Vinh – Trưởng bến xe buýt Sài Gòn, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã báo cáo các kết quả đạt được và bài học chia sẻ kinh nghiệm từ việc thực hiện dự án “Thực thi môi trường không khói thuốc tại địa điểm giao thông công cộng tại TP Hồ Chí Minh”.
Ông Hồ Quí Vinh thông tin: Dự án nhằm mục đích giảm hút thuốc lá thụ động tại các đại điểm giao thông công cộng ở TP.HCM; giảm và tiến tới chấm dứt việc hút thuốc lá trên phương tiện vận tải hành khách. Dự án triển khai thí điểm tại hai bến xe miền Tây và bến xe buýt Sài Gòn.
Nhờ triển khai dự án, hai bến xe đã có nhiều thay đổi mới như: Các bản biểu, nội quy, thông điệp cấm hút thuốc lá được thay mới và đầy đủ; không thấy bán thuốc lá lộ liễu công khai; hút thuốc lá và vứt tàn thuốc theo đúng nơi quy định của bến xe; người hút thuốc lá có nơi hút riêng biệt không ảnh hưởng người khác; có đội thực thi giám sát nhắc nhở hàng ngày; truyền thông giáo dục về tác hại của thuốc lá (thông điệp và phát thanh trong bến xe); Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá bến xe họp định kỳ với Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng (CHD) để đánh giá hoạt động và rút kinh nghiệm.
Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm chia sẻ tại hội thảo |
Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS-TS. Phan Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết khảo sát hơn 600 cán bộ y tế tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy có đến 31,3% cán bộ y tế hút thuốc lá (đã từng hút và đang hút); trong đó, nam giới chiếm 95,6% và có trình độ sau đại học là 60,72%.
“Trên cơ sở những khó khăn đó, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá với các mục tiêu duy trì hoạt động tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại bệnh viện và 63 tỉnh/thành về tư vấn cai nghiện thuốc lá” - PGS-TS. Phan Thu Phương cho biết thêm.
Theo bà Phan Thu Phương, sau khi Ban chỉ đạo được thành lập, Trung tâm tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cũng nhanh chóng được ra đời với hơn 20 tư vấn viên tốt nghiệp từ các trường đại học y hàng đầu tại Việt Nam. Các tư vấn viên đều có chứng chỉ về tư vấn cai nghiện thuốc lá và được đào tạo chuyên sâu kỹ năng tư vấn.
Tại hội thảo, đại diện của Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đại diện quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội cũng đã có báo cáo về kết quả thực hiện mô hình du lịch không khói thuốc tại TP.HCM và kết quả thực hiện mô hình nhà hàng, khách sạn không khói thuốc tại quận Hoàn Kiếm.
Theo bác sỹ Trịnh Văn Hiệp, đại diện Hiệp hội Du lịch TP. HCM, trong thời gian qua Hiệp hội đã triển khai tổ chức các Ngày hội du lịch thành phố không khói thuốc, liên hoan ẩm thực, hội chợ du lịch không khói thuốc; hội thi tìm hiểu về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức cho các sinh viên ngành du lịch trong vấn đề bảo vệ môi trường về sức khỏe.
Quang cảnh hội thảo |
Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm cho biết: Hiện nay, UBND Quận Hoàn Kiếm đã triển khai mô hình điểm du lịch không khói thuốc tại 14 điểm di tích lịch sử và 16 điểm văn hóa lớn của quận như Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu, Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn...
Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã phê duyệt và triển khai đề án mô hình nhà hàng không khói thuốc. Theo đó, từ năm 2017 đến nay đã vận động được 254 nhà hàng lớn, khách sạn 3 sao trở lên đăng ký mô hình khách sạn nhà hàng không khói thuốc.