(TN&MT) - Sáng ngày 24/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc có buổi làm việc với Viện Khoa học KTTV – BĐKH về việc thực hiện Dự án điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo Vụ Tài chính, Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Trung tâm KTTVQG…
Theo báo cáo của Viện Khoa học KTTV &BĐKH, Dự án điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2018 với 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện từ năm 2010 đến 2012 tại 14 tỉnh vùng miền núi Bắc Bộ; giai đoạn 2 từ năm 2013 – 2018 tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tính đến nay, việc triển khai thực hiện dự án cơ bản đạt tiến độ và hoàn thành được mục tiêu. Trong đó, kết quả trong giai đoạn 1 là đã xác định được tiêu chí phân vùng nguy cơ lũ quét cho 14 tỉnh vùng miền núi Bắc Bộ; xây dựng được bản đồ phân vùng nguy cơ xuất hiện lũ quét; lựa chọn 36 lưu vực sông, suối nhỏ có nguy cơ lũ quét cao; lắp đặt thử nghiệm 2 trạm đo mưa tự động truyền số liệu qua sóng GSM phục vụ cảnh báo lũ quét tại tỉnh Yên Bái…
Giai đoạn 2, dự án cũng đã đạt được một số kết quả như: xây dựng được bản đồ phân vùng hiện trạng và nguy cơ lũ quét cho 23 lưu vực sông chính thuộc 19 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Miền Trung và Tây Nguyên; thống kê tình hình dân cư, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có nguy cơ lũ quét cao để kiến nghị địa phương quy hoạch, bố trí sơ tán dân khỏi vùng vùng thiên tai…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc làm việc với Viện Khoa học KTTV – BĐKH
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Bộ TN&MT đã giao cho Viện Khoa học KTTV – BĐKH là đầu mối để xây dựng và chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Dự án điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam. Theo đó, đến nay, dự án đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị về công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất năm 2014, Bộ TN&MT cần tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, đề án điều tra, đánh giá, phân vùng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, chú trọng phân vùng tỷ lệ lớn tại từng địa bàn để phát huy hiệu quả, cập nhật các điểm dân cư vào các bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở chỉ đạo, ứng phó thiên tai; từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt tăng mật độ hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại những khu vực đông dân cư sinh sống có nguy cao về lũ quét, sạt trượt đất để cảnh báo kịp thời, phục vụ sơ tán dân cư, chỉ đạo cơ quan liên quan phối hướng dẫn phương thức triển khai thực hiện.
Do đó, để dự án thực hiện đúng tiến độ, cũng như đạt được kết quả như mong muốn, thì Viện Khoa học KTTV &BĐKH cần phối hợp với Trung tâm KTTVQG và các đơn vị có liên quan đánh giá thực trạng từng vùng để xây dựng bản đồ phân vùng một cách chính xác nhất. Trong đó, cần chú trọng đến công tác chuyển giao công nghệ.
PV