Đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản tạo lợi ích lớn cho nhiều địa phương. Ảnh minh họa |
Việc thu tiền sử dụng số liệu thông tin về kết quả điều tra thăm dò khoáng sản của nhà nước và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước hàng năm (5-7 nghìn tỷ đồng) thì việc tái đầu tư công tác điều tra đánh giá khoáng sản để nuôi dưỡng nguồn thu là rất cần thiết.
Về điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng tài nguyên khoáng sản, các kết quả nghiên cứu mới nhất của nhà địa chất Nga và Việt Nam dự báo quặng urani ở bồn trũng Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) có tiềm năng đến vài chục ngàn tấn U3O8, việc đánh giá đầy đủ loại khoáng sản chiến lược quan trọng này sẽ chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho quy hoạch phát triển ngành năng lượng hạt nhân góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo “Kế hoạch tổng thể thực hiện chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”.
Khoáng sản đá khối làm ốp lát rất phổ biến trong vùng Trung Trung Bộ như các loại đá granit, granitogneis, gabro, gabrođiorit… đá có màu sắc đẹp, vân hoa đa dạng, độc đáo, mẫu mã phong phú, có giá trị thương phẩm cao, được sử dụng rộng rãi trong nước và xuất khẩu đến nhiều nước thu lại nguồn lợi đáng kể; đá metacarbonat trong các tầng đá biến chất rất đa dạng về màu sắc và hoa văn, mang lại nét độc đáo riêng biệt; đá cát kết ở tỉnh Quảng Nam có màu xám phớt xanh, dùng để ốp tường, lát sàn, làm mặt bàn và làm đá mỹ nghệ.
Hầu hết tài nguyên đá ốp lát granit Việt Nam đều tập trung trong vùng này với tiềm năng lớn, cần sớm được điều tra, đánh giá để quy hoạch thăm dò khai thác hợp lý.
Việc điều tra, đánh giá tổng thể, đầy đủ tài sản tài nguyên khoáng sản để phục vụ cho quy hoạch, quản lý đã được thể hiện rõ trong chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết 02/NQ-TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược khoáng sản (QĐ 2427/QĐ-TTg) nêu rõ “Điều tra, đánh giá khoáng sản phải đi trước một bước, làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản để lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và dự trữ quốc gia”.
Tại Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (QĐ 1388/QĐ-TTg) cũng nêu rõ việc ưu tiên đánh giá tiềm năng, tài nguyên từng loại, nhóm khoáng sản quan trọng, đặc biệt trong các cấu trúc địa chất có triển vọng khoáng sản đến độ sâu 500m và một số vùng đến 1000m nhằm làm rõ tiềm năng từng loại khoáng sản phục vụ nhu cầu thăm dò, khai thác chế biến, dử dụng và dự trữ khoáng sản quốc gia hợp lý; kết quả phải phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường.
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế” đã xác định quan điểm về việc “Đẩy mạnh kinh tế hóa nguồn vật lực, trong đó tập trung vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên” và định hướng “Tất cả các nguồn lực của nền kinh tế phải được kiểm kê đánh giá, thống kê, hạch toán đầy đủ, đúng đắn trong nền kinh tế; được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả và phát triển bền vững”.
Nghị quyết cũng đã chỉ ra nhiệm vụ chủ yếu để phát huy nguồn lực tài nguyên khoáng sản phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước là “Xây dựng chơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể hóa quan điểm kinh tế hóa tài nguyên khoáng sản” và “Điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng, trữ lượng tài nguyên khoáng sản; áp dụng phương pháp tiên tiến trong quản trị tài nguyên khoáng sản”, trong đó có việc đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản.