Đẩy mạnh chống gian lận trong kinh doanh khí Gas

14/11/2018 16:30

(TN&MT) - Thời gian qua, việc gian lận trong kinh doanh khí gas đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lành mạnh thị trường này, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và nghiêm trọng hơn là gây bất ổn an ninh, trật tự trong xã hội. Do vậy, cần thiết phải xem xét lại các quy định để xiết chặt hơn quản lý và xử phạt gian lận trong kinh doanh, sang chiết khí gas.

Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo “Thách thức và triển vọng thị trường Gas” do Tạp chí Kinh tế & Dự báo tổ chức ngày 14/11 tại Hà Nội.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn, hàng trăm tỉ đồng vào bình gas, là chủ sở hữu bình gas, đăng ký nhãn hiệu, kiểm định, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ theo quy định và phải chịu trách nhiệm về an toàn khi sử dụng bình gas đi vào từng hộ người tiêu dùng.  

Ông Trần Trọng Hữu, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho hay, vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua và liên tục kéo dài đến hiện nay là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường.

Thực trạng này làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhà nước thất thu thuế và đặc biệt đó là những mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ, gây bất bình trong dư luận, xã hội. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm không phải chi phí đầu tư vỏ bình, kiểm định, kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa…. , họ đã thu lợi bất chính.

Ông Hữu cho biết thêm, với các hình thức gian lận thương mại này đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh Gas tại thị trường của Việt nam. Điển hình là các thương hiệu nổi tiếng như Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas phải thu gọn lại hoặc phải rút khỏi Việt nam do tình trạng gian lận thương mại.

img 9302
Toàn cảnh Hội thảo 

Đồng quan điểm trên, theo ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại, Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hiện trên thị trường, có trên 80 thương nhân kinh doanh khí LPG có nhãn hiệu cung cấp LPG chai, khoảng 200 tổng đại lý kinh doanh LPG và khoảng 13.000 cửa hàng bán LPG chai…

Kinh doanh khí Gas trong tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai, chiết nạp lậu… Vấn đề xử lý đã được đưa ra 10 năm nay nhưng chưa triệt để, việc xử phạt, xử lý còn thiếu rõ ràng.

Đặc điểm lớn nhất của mặt hàng gas và kinh doanh gas là mặt hàng có nguy cơ cháy, nổ cao. Bình (chai) chứa gas là một loại bao bì đặc biệt, là thiết bị chịu áp lực, có liên quan mật thiết đến quá trình tồn trữ, sang chiết, nạp, vận chuyển và sử dụng vì vậy có yêu cầu rất nghiêm ngặt trong thiết kế, chế tạo, kiểm định, về an toàn lao động, về phòng cháy chữa cháy, an toàn trong chiết nạp, vận chuyển, sử dụng gas.

Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh gas, nhất là hành vi chiếm dụng, san chiết trái pháp luật, giả nhãn hiệu, vi phạm về sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt, hoán cải vỏ bình gas của thương nhân chủ sở hữu bình ...của các cơ quan chức năng thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng ổn định thị trường.

Đặc biệt, trong năm năm 2017, nhiều vụ vi phạm lớn đã được các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra thu giữ hàng nghìn bình gas được sản xuất, bị chiếm dụng trái phép và xử lý theo quy định của pháp luật như: vụ việc ở khu Công nghiệp Yên phong Bắc Ninh, vụ ở Dị sử Hưng Yên, Vụ Hải Dương gas, vụ ở Trảng bàng Tây ninh, Gas Phúc Khang ở Hoà Bình . . . Những hành vi vi phạm trên năm 2018 tiếp tục xẩy ra ở các địa phương như Hà Nội, Hải dương, Thái bình, Sóc trăng, Bình Dương, Sơn La  . . .

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Gas Việt Nam, việc xử lý các vỏ bình gas bị các lực lượng chức năng tịch thu, xử lý của mỗi lực lượng, mỗi địa phương khác nhau, cùng một loại hành vi vi phạm, có vụ việc xử lý hình sự, có vụ việc sau khi xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, vỏ bình bị tịch thu được trả lại cho chính đối tượng vi phạm, bán đấu giá, hoặc đem tiêu hủy  

Việc xử lý mỗi vụ việc, mỗi lực lượng chức năng, mỗi địa phương khác nhau như trên phần nào đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.

Để giúp quản lý thị trường tốt hơn, ông Trần Hữu Tuấn, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Công ty Alttek Global JSC cho rằng, có thể áp dụng các công cụ truy xuất nguồn gốc, các mã điện tử sản phẩm để quản lý từ khâu xuất nhập hàng đại lý đến các sản phẩm bán lẻ. Người tiêu dùng có thể kiểm tra đơn giản, nhanh chóng.

.

Về mặt chính sách, theo ông Trần Trọng Hữu, để thị trường Gas hoạt động lành mạnh, đẩy lùi nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, cần phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ nơi chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường, tố cáo với các cơ quan chức năng những doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật.

Quan trọng nữa, ông Hữu đề nghị xây dựng và ban hành thông tư về xử lý trách nhiệm hình sự về một số hành vi vi phạm trong kinh doanh Gas; có chế tài xử phạt thật nặng để răn đe, hạn chế tái vi phạm tình trạng san chiết nạp trái phép dù chỉ là một chai Gas.

Ngoài ra, cần có sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để các cơ quan chức năng hiểu và áp dụng văn bản xử lý thống nhất bình gas bị tịch thu do bị chiếm đoạt, lưu giữ và sử dụng trái pháp luật, tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ về hoạt động kinh doanh LPG...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chống gian lận trong kinh doanh khí Gas
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO