Đẩy mạnh các giải pháp quản lý nước trong thời đại 4.0

10/08/2018 10:18

(TN&MT) - Hiện nay, ngành nước Việt Nam tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập. Vì vậy, đẩy mạnh các giải pháp quản lý nước thông minh là nhu cầu cấp thiết trong thời kỳ cách mạng công nghiệp  4.0.

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Hội cấp thoát nước Việt Nam phối hợp với Công ty UBM Asia tổ chức hội thảo với chủ đề “Quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững”. Hội thảo này nằm trong chuỗi hoạt động tổ chức triển lãm Quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước tại Việt Nam (Vietwater 2018) được diễn ra từ ngày 7 - 9/11/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành…. Các hội nước Úc, Phần Lan, Hungary,… các doanh nghiệp ngành nước hàng đầu Việt Nam.

4 -Đẩy mạnh các giải pháp quản lý nước trong thời đại 4.0
Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo về ngành nước tại Hà Nội được tổ chức nhằm mang đến cho các chuyên gia trong ngành nước có cơ hội cập nhật thông tin chi tiết về chính sách và công nghệ quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững.

Tại hội thảo, ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, ngành nước Việt Nam tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập. Đặc biệt là phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: gia tăng dân số đô thị, ngân sách hạn hẹp, năng lực quản lý vận hành, ô nhiễm nguồn nước, những cực đoan của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, ngập úng, xâm nhập mặn… “Để nhân rộng và giúp các doanh nghiệp cấp thoát nước Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ cấp thoát nước thì việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu và hết sức cần thiết.” - ông Quang chia sẻ.

1-Đẩy mạnh các giải pháp quản lý nước trong thời đại 4.0
Ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Hạ Tầng Kỹ Thuật - Bộ Xây dựng cho biết thêm, phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Tháng 9/2015 lãnh đạo 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã chính thức thông qua chương trình nghị sự 2030 bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm giải quyết các thánh thức và sự phát triển kinh tế xã hội toàn diện đảm bảo tính bền vững của môi trường. Một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc hướng tới là mục tiêu số 6 – “Đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người”.

PGS.TS Mai Thị Liên Hương cũng cho biết, ngày 10/5/2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về kế hoạch hành động của quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong đó, đặt ra mục tiêu tổng quát duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với việc thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… Đồng thời, thực hiện mục tiêu có liên quan đến ngành nước đó là đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước, hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người. 

2-Đẩy mạnh các giải pháp quản lý nước trong thời đại 4.0
PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Hạ Tầng Kỹ Thuật - Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo

Để thực hiện kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao để quản lý ngành nước hướng tới phát triển bền vững bao gồm: Một là, đảm bảo tiếp cận đầy đủ công bằng với nước sinh hoạt an toàn trong khả năng chi trả của tất cả mọi người. Hai là, đảm bảo tiếp cận các công trình và điều kiện vệ sinh để phù hợp cho tất cả người dân. Ba là, cải thiện chất lượng nước giảm tỷ lệ nước thải đô thị chưa qua xử lý và tăng cường tái sử dụng nước an toàn. Bốn là, tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học chuyển giao công nghệ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành nước. Năm là, chú trọng công nghệ tiên tiến công nghệ thông minh quản lý, xử lý nước với chi phí năng lượng thấp góp phần bảo vệ môi trường.

3-Đẩy mạnh các giải pháp quản lý nước trong thời đại 4.0
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý khai thác nước dưới đất, Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ TN&MT phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý khai thác nước dưới đất, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân gây suy thoái nước dưới đất là do tình trạng khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch. “Việc khai thác nước dưới đất thường tập trung với lưu lượng lớn tại các khu vực đô thị như TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau…đã gây ra tình trạng suy giảm mực nước dưới đất với tốc độ nhanh, liên tục trong các tầng chứa nước, đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún bề mặt đất. Ngoài ra, công tác điều tra cơ bản, quy hoạch còn chậm do thiếu nguồn lực và công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo còn chưa đáp ứng yêu cầu.” - Ông Nghĩa cho biết.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước để bảo vệ nước dưới đất, trong thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước cần ưu tiên tập trung thực hiện các nội dung sau đây:

Một là, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tài nguyên nước tại các địa phương.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các Đề án Chính phủ liên quan đến việc bảo vệ nước dưới đất đã được phê duyệt, gồm: Đề án bảo vệ nước dưới đất các đô thị lớn (phê duyệt năm 2013) và Đề án điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đât, tác động đến sụt lún bề mặt khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất (phê duyệt năm 2016).

Ba là, tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; điều tra hiện trạng khai thác nước dưới đất; kiểm kê tài nguyên nước ở các địa phương để phục vụ công tác quản lý.

Bốn là, tổ chức triển khai Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất khi được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành, trong đó các địa phương cần bố trí nguồn lực thực hiện việc điều tra, đánh giá để khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và tổ chức triển khai thực hiện.

Năm là, nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quan trắc, tăng cường công tác cảnh báo, dự báo về nước dưới đất; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất.

Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Cao Lại Quang hy vọng thông qua việc trao đổi, chia sẻ thông tin tại Hội thảo sẽ mang lại nhiều thông tin, những bài học kinh nghiệm bổ ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đặc biệt là các doanh nghiệp Hội viên của Hội cấp thoát nước Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh các giải pháp quản lý nước trong thời đại 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO