Đẩy lùi nạn buôn bán, săn bắt động vật hoang dã: Báo chí là “vũ khí”
(TN&MT) - Đó là phát biểu của Tiến sĩ sinh học Tilo Nadler - Giám đốc Chiến lược bảo tồn của tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy, người sáng lập - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (EPRC) Vườn Quốc gia Cúc Phương tại Chương trình tập huấn tăng cường năng lực báo chí khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật.
Chương trình tập huần do Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Vườn quốc gia Cúc Phương và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp tổ chức từ ngày 28 - 29/9.
Chương trình tập huấn về chủ đề khai thác đề tài buôn bán ĐVHD thu hút sự quan tâm của hơn 30 nhà báo, giảng viên, phóng viên trẻ… từ nhiều nơi trên cả nước. Chương trình tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức và thông tin về tình trạng buôn bán ĐVHD ở Việt Nam, cập nhật về khung pháp lý liên quan đến tội phạm về ĐVHD và xử lý các vi phạm. Đồng thời, hỗ trợ các nhà báo, phóng viên tham gia lựa chọn được đề tài điều tra về chủ đề chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Đảm - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học thuộc tốp đầu thế giới. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc bảo vệ, gìn giữ cũng như phát huy sự đa dạng sinh học đặc hữu này.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đã tham gia sâu rộng và đầy đủ vào hầu hết các công ước quốc tế về chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật, đặc biệt là các loài nguy cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp và kết quả tích cực trong hoạt động bảo vệ ĐVHD nguy cấp, Việt Nam cũng nổi lên là một trong những “điểm nóng” của thế giới về hành vi buôn bán, săn bắt và tiêu thụ ĐVHD với rất nhiều vụ việc đã bị cơ quan chức năng bắt giữ suốt nhiều năm qua.
Trong chặng đường, quá trình đấu tranh với loại hình tội phạm ĐVHD tại Việt Nam hiện nay, vai trò của các nhà báo, phóng viên cực kỳ quan trọng. Thực tế cho thấy, rất nhiều vụ việc, rất nhiều đường dây mua bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD nguy cấp trái pháp luật bị phát hiện, bắt giữ và đưa ra ánh sáng có dấu ấn, công lao to lớn của các nhà báo điều tra, không ngại hiểm nguy dấn thân với nghề.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Đăng Phong - Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật hoang dã nguy cấp, WWF cho biết, lợi nhuận cao trong khi rủi ro thấp đã khiến việc buôn bán ĐVHD thu hút sự quan tâm của các tổ chức tội phạm trên thế giới. Từ thực tiễn đó, tại một số quốc gia, tội phạm buôn bán trái phép ĐVHD được coi là loại hình tội phạm nguy hiếm, có tố chức với mức độ nghiêm trọng như tội phạm buôn lậu ma túy, vũ khí, hàng giả và buôn người. Cùng với sự phát triển của công nghệ số, tình trạng buôn bán trái phép ĐVHD trên các trang mạng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp với những thủ đoạn “lách luật” ngày càng tinh vi.
Do đó, báo chí với vai trò truyền thông cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức, từ đó thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng của cộng đồng bằng cách đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền. Đồng thời, tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các hành vi, quan điểm sai trái, nhất là với loại hình tội phạm buôn bán trái phép ĐVHD.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác bảo tồn các loài ĐVHD, theo ông Tạ Đức Biên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Vườn Quốc gia Cúc Phương, có nhiều lý do như: Vườn Quốc gia Cúc Phương trải dài trên 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, với phần lớn cộng đồng là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ dân trí hạn chế, nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường còn thấp, cùng với việc diện tích đất nông nghiệp hạn chế không tương xứng với tỉ lệ tăng dân số dẫn đến việc xâm hại tài nguyên rừng của Vườn Quốc gia...
Theo ông, báo chí là kênh tuyên truyền thiết thực và hiệu quả, do đó, ông đề xuất các cơ quan báo chí sẵn sàng phối hợp, cung cấp, tiếp nhận thông tin trung thực, chính thống; Tích cực phối hợp trong việc nhận dạng các loài ĐVHD cũng như trong việc xây dựng các nội dung, hình ảnh tuyên truyền; Chủ động phối hợp với các đơn vị báo chí Trung ương và địa phương truyền thông về giá trị tài nguyên thiên nhiên, tầm quan trọng của các loài động vật đối với đa dạng sinh học, tiềm năng của Vườn Quốc gia; Quảng bá rộng rãi các hình ảnh của Vườn Quốc gia đến công chúng, từ đó, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trong Chương trình tập huấn, người tham dự được lắng nghe chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế, những bài học đắt giá để có những loạt bài điều tra xuất sắc từ những cây bút nổi tiếng như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, nhà báo Hoàng Thiên Nga. Bên cạnh đó, người tham dự tập huấn còn được tham quan thực địa Trung tâm cứu hộ Linh trưởng EPRC, tìm hiểu về hiện trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD và công tác bảo vệ ĐVHD tại Vườn; Hoạt động cứu hộ, tái thả ĐVHD trên thực tế…