Đền thờ vua Lê Thái Tông nằm ở tổ 3 phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, được khởi công xây dựng vào năm 2001 và khánh thành vào năm 2003. Mỗi dịp Lễ tết, ngày rằm, mùng một…, ngôi đền đã đón hàng triệu lượt du khách, để cầu mong những điều an lành, cầu tài, cầu lộc...
Tiết trời năm nay khá ấm áp nên ngay từ sáng sớm, rất đông người đã đổ về Khu di tích lịch sử - Ngôi đền thờ vua Lê. Dọc 2 bên đường, các gian hàng bày bán đồ lễ, muối, diêm, bánh kẹo… rất đa dạng, phục vụ nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân.
Theo chia sẻ của bác Thành, một người bán hàng lâu năm ở chân đền thờ Vua Lê, ngay sau thời khắc giao thừa, người dân đã tấp nập lên dâng hương tại đền thờ Vua Lê. Có người sắm sửa mâm lễ đầy đủ, có người đơn giản chỉ lên thắp một nén hương để cầu mong năm mới an lành.
Được biết, không chỉ người dân thành phố Sơn La, mà đông đảo du khách từ các huyện xa hơn cũng tìm đến nơi đây với lòng thành kính hướng tới vị vua hùng tài của dân tộc hơn 500 năm về trước.
Bà Lâm Thị Mão, thành phố Sơn La chia sẻ: Việc đầu tiên vào sáng mùng 1 là cả gia đình tôi sẽ cùng nhau đi lễ Đền thờ Vua Lê Thái Tông, cầu mong năm mới mọi người trong gia đình mạnh khỏe, bình an và may mắn.
Cách Đền thờ vua Lê khoảng 200m là hang Thẳm Báo Ké, nơi có bài thơ Quế Lâm Ngự Chế được vua Lê Thái Tông (1423-1442) khắc trên vòm hang vách đá vào năm 1440.
Từ khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tông rất chú ý tới miền Tây Bắc, miền đất phên dậu của Tổ quốc. Trong 9 năm trị vì đất nước, Nhà vua đã 2 lần chỉ huy quân sỹ lên Tây Bắc dẹp phản nghịch. Tháng 3 năm Canh Thân (1440), Vua Lê Thái Tông lần đầu tiên thân chinh cùng quân sỹ lên trấn miền tây diệt giặc Thượng Nghiễm ở Châu Mường Muổi (nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Trên đường trở về Thăng Long, Nhà vua cùng quân sỹ nghỉ chân tại Động La (còn được gọi là Thẳm Báo Ké, tức hang trai già).
Với tầm nhìn xa trông rộng cùng tài thao lược, Nhà vua đã để lại bài thơ và lời tựa gồm 14 dòng, mỗi dòng 10 chữ với 140 chữ Hán. Năm 1441, Nhà vua tiếp tục cùng quân lính lên dẹp loạn Nghịch Nghiễm ở Châu Mường Muổi, mang lại bình yên cho dải đất biên cương phía Tây Tổ quốc.
Tên của di tích chính là tên bài thơ “Quế Lâm Ngự Chế” được khắc trên vách đá, nhằm khẳng định sự thống nhất đất nước và mong muốn thiên hạ thái bình. Di tích được phát hiện năm 1965 và được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng cấp Quốc gia ngày 05/02/1994. Trải qua hơn 500 năm mưa nắng và những biến động lịch sử, những dòng chữ khắc tạc trên vách đá nơi rừng thiêng vẫn rõ nét như ngày nào. Từ trên văn bia nhìn xuống, du khách có thể thấy bao quát toàn cảnh thành phố Sơn La.